HSC: Nghi ngờ khả năng LienVietPostBank sáp nhập với Sacombank
Ông Dương Công Minh trúng cử Chủ tịch HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021. (Ảnh: Tiến Vũ). |
Theo ghi nhận trong một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), đại hội Sacombank đã bầu ra 6 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và tân Chủ tịch là Chủ tịch LienVietPostBank trước đây – ông Dương Công Minh.
Toàn bộ các nội dung khác cũng được thông qua như kế hoạch không trả cổ tức cho năm 2015 và 2016, kế hoạch thành lập thêm các công ty con trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ngân hàng cũng đã đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 là 585 tỷ đồng (tăng trưởng 275,99% so với mức rất thấp của năm 2016).
ĐHCĐ Sacombank: Ông Dương Công Minh trúng cử Chủ tịch HĐQT
Bức xúc về sự vắng mặt của ông Trầm Bê, đầy hoài nghi trước sự xuất hiện của ông Dương Công Minh, cổ đông Sacombank ... |
Nghi ngờ khả năng sáp nhập trong tương lai gần
Tin đồn về khả năng sáp nhập giữa Sacombank và LienVietPostBank tiếp tục được lan truyền sau khi đại hội kết thúc. Trước đó, đã có tin đồn về khả năng sáp nhập giữa hai ngân hàng này trong những tháng gần đây khi ứng viên đầu tiên từ LienVietPostBank là ông Nguyễn Đức Hưởng được đưa vào danh sách bầu HĐQT của Sacombank. Tuy nhiên ông Hưởng đã rút tên khỏi danh sách và ngay sau đó quay trở làm Chủ tịch LienVietPostBank.
Hiện vẫn chưa có sự giải thích chính thức nào cho chuỗi sự kiên diễn ra đồng loạt này. Tuy nhiên trên thị trường trước đó đã có tin đồn là ông Dương Công Minh đã từ nhiệm chức chủ tịch LienVietPostBank để tham gia Sacombank trong dịp đại hội cổ đông gần đây và có thể được bầu làm Chủ tịch. Và kết quả bầu HĐQT của Sacombank tại đại hội vừa rồi một lần nữa làm dấy lên tin đồn về khả năng sáp nhập giữa 2 ngân hàng vào một ngày nào đó trong tương lai.
Song HSC nghi ngờ khả năng sáp nhập này trong tương lai gần vì tình hình phức tạp của Sacombank hiện giờ. HĐQT mới cần ít nhất 3 năm để xử lý các vấn đề lớn tại Sacombank trước khi tính đến chuyện sáp nhập.
Theo thông tin trên truyền thông, lãi trước thuế 5 tháng đầu năm của Sacombank đạt 404 tỷ đồng, thực hiện 69% kế hoạch cả năm. Hiện chưa có thông tin về tăng trưởng huy động và cho vay khách hàng. Tuy nhiên theo thông tin thì thu nhập lãi thuần vẫn đóng góp 67% tổng thu nhập hoạt động, báo cáo HSC cho hay.
Sacombank hưởng lợi nhiều nhất từ Nghị quyết xử lý nợ xấu
Mặt khác, liên qua đến Nghị quyết xử lý nợ xấu được mới được thông qua với thời gian chốt các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017. HSC cho rằng, Nghị quyết này sẽ giúp các ngân hàng thu hồi, chuyển quyền sở hữu và bán thanh lý các tài sản đảm bảo là BĐS một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, các ngân hàng có thể phân bổ lỗ từ thoái lãi dự thu trong 10 năm và lỗ từ bán tài sản đảm bảo với giá thấp hơn giá trị sổ sách trong 5 năm.
Những quy định hạch toán mới này tương tự như quy định hạch toán áp dụng cho Sacombank trong đề án tái cơ cấu của Ngân hàng. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định mới đối với việc xử lý tài sản đảm bảo cho toàn ngành ngân hàng sẽ là cú huých quan trọng nhất đối với việc xử lý nợ xấu. Đặc biệt đối với Sacombank vì hầu hết tài sản đảm bảo là bất động sản (BĐS).
Theo ban lãnh đạo của Ngân hàng, có 64 nghìn tỷ đồng trong tổng số 75 nghìn tỷ đồng giá trị tài sản đảm bảo của 86 nghìn tỷ đồng nợ xấu tại Sacombank là BĐS. Một số tài sản BĐS này có giấy tờ pháp lý đầy đủ trong khi một số khác thì không. Do vậy việc rút ngắn thủ tục thu hồi, chuyển quyền sở hữu và bán tài sản BĐS có thể sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Sacombank.
Ước tính của HSC cho thấy, thực sự rất khó để Sacombank xử lý số nợ này thông qua trích lập dự phòng hoàn toàn và sau đó tiến hành xóa nợ tương tự như ở các ngân hàng khác như ACB. Quá trình xử lý nợ xấu của Sacombank sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc bán tài sản đảm bảo. Do đó, nhu cầu thực tế từ thị trường mua nợ thứ cấp, định giá các dự án và tình trạng pháp lý của những dự án BĐS là những yếu tố quan trọng nhất.
Lợi nhuận 2017 dự báo chỉ khoảng 4 tỷ đồng
Tất cả các chỉ tiêu tài chính của Sacombank có thể được lập theo tiêu chuẩn kế toán đặc biệt nên không có nhiều ý nghĩa khi so sánh với chỉ tiêu tài chính của các ngân hàng khác.
Trước khi nhìn thấy những tiến triển rõ rệt trong công tác xử lý nợ xấu, HSC cho rằng Sacombank sẽ cố gắng tránh ghi nhận lỗ trong vài năm tới trong khi tập trung xử lý các tài sản có vấn đề liên quan đến Ngân hàng Phương Nam. Trong năm 2017, HSC dự báo Sacombank sẽ có lợi nhuận khảng 4,23 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu dự báo tăng trưởng của HSC đưa ra như tín dụng tăng trưởng 8% và đạt 215,58 nghìn tỷ đồng. Huy động khách hàng tăng trưởng 4% và đạt 303,31 nghìn tỷ đồng. Theo đó hệ số LDR thuần sẽ đạt 70% (năm 2016 là 68%).
Tỷ lệ thu nhập lãi cận bien (NIM) tiếp tục giảm từ 2,17% xuống chỉ còn 1,86% do phải thoái một lượng lớn lãi dự thu. Sacombank có 21.575 tỷ đồng lãi dự thu tại thời điểm cuối năm 2016. Thu nhập lãi thuần sẽ tăng trưởng 20% lên 5.138 tỷ đồng, tuy nhiên HSC dự báo tổng thu nhập ngoài lãi sẽ tăng trưởng 7,67% và đạt 2.701 tỷ đồng. Chi phí hoạt động sẽ tăng nhẹ 9,08% lên 6.194 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng 135,92% lên 1.642 tỷ đồng.