|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 95% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh

10:26 | 12/06/2018
Chia sẻ
Sáng nay (12/6), các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh với số phiếu tán thành là 464 phiếu (chiếm 95,28%).

Cụ thể, có 469 đại biểu tham gia bỏ phiếu (chiếm 96,30%), trong đó có 464 đại biểu tán thành (chiếm 95,28%) và có 5 đại biểu không tán thành (chiếm 1,03%).

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được thông qua gồm 10 chương với 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý Nhà nước về cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019. Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

hon 95 dai bieu tan thanh quoc hoi thong qua luat canh tranh
Ảnh: Chinhphu.vn.

Đối tượng áp dụng là: Tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp (DN) sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam.

Về quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh, Luật quy định rõ: DN có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh danh. Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của DN, của người tiêu dùng.

Luật quy định chính sách của Nhà nước về cạnh tranh gồm: Tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch. Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật. Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tạo điều kiện để xã hội, người tiêu dùng tham gia quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về cạnh tranh.

Luật cũng nêu các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh như: Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với DN cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước, hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật. Phân biệt đối xử giữa các DN. Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác hoặc các DN liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.

Về điều khoản chuyển tiếp, Luật quy định rõ, kể từ ngày Luật có hiệu lực, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 được tiếp tục xem xét, giải quyết như sau: Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý nếu được xác định không vi phạm quy định của Luật này thì được đình chỉ điều tra, xử lý. Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà vẫn bị xác định vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thì tiếp tục bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này. Trường hợp hình thức xử lý hoặc mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm theo quy định của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cao hơn quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 thì áp dụng theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11.

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh(sửa đổi) trước Quốc hội.

Theo đó, đáng chú ý là chương IV về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung một điểm vào khoản 2 Điều 25 dự thảo Luật quy định về trường hợp có năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 24 của dự thảo Luật.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

K.Hà

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.