Hơn 6,5 triệu tấn sắt thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu nhập khẩu một số mặt hàng trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, đáng chú ý, nổi lên là tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn không giảm; trong đó nhập khẩu nhiều mặt hàng có xu hướng tăng mạnh như: sắt thép, ô tô nguyên chiếc, hóa chất, vải, máy móc và thuốc trừ sâu...
Về mặt hàng sắt thép, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập hơn 11 triệu tấn, giá trị kim ngạch đạt hơn 4,5 tỷ USD, trong đó riêng sắt thép từ Trung Quốc đã đạt hơn 6,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 60% về lượng và hơn 55% về giá trị toàn thị trường nhập khẩu.
Riêng sắt thép Trung Quốc đã chiếm 60% về lượng so với toàn bộ thị trường nhập khẩu mặt hàng này |
Như vậy, so sánh số liệu nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc với tổng sản lượng toàn ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam 7 tháng qua cho thấy, nhập khẩu sắt thép Trung Quốc về Việt Nam đang gây sức ép lớn cho ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép toàn ngành trong 7 tháng qua đạt 9,9 triệu tấn, trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 6,5 triệu tấn, tức là chiếm hơn 65,6% sản lượng các nhà máy thép trong nước, đó là chưa nói đến còn một số lượng lớn các loại sắt thép nhập lậu không được hải quan tính toán.
Ngoài sắt thép, trong 7 tháng đầu năm, cả nước chi khoảng 399 triệu USD để nhập thuốc trừ sâu từ các nước, trong đó riêng thuốc trừ sâu nhập từ Trung Quốc cũng chiếm khoảng 196 triệu USD, đạt gần 50% giá trị nhập khẩu khoảng 196 triệu USD.
Tính trung bình, mỗi ngày Việt Nam chi hơn 41 tỷ đồng nhập thuốc trừ sâu, trong đó chỉ nhập mặt hàng này từ Trung Quốc cũng lên con số 20,5 tỷ đồng/ngày. Riêng trong tháng 7/2016, cả nước chi hơn 55 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu, thì nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc là hơn 25,7 triệu USD, chiếm hơn 46,7%.
Ngoài thuốc trừ sâu, hóa chất và các sản phẩm hóa chất từ Trung Quốc nhập về Việt Nam cũng rất lớn, 7 tháng qua, cả nước chi 3,7 tỷ USD nhập khẩu hóa chất, trong khi đó nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc cũng chiếm trên 1 tỷ USD, chiếm gần 30% giá trị kim ngạch.
Về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, tháng 7/2016 Việt Nam xuất siêu 400 triệu USD (trong đó xuất khẩu đạt 14,7 tỷ USD, nhập khẩu 14,3 tỷ USD), cộng dồn 7 tháng, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 2,2 tỷ USD (với kim ngạch xuất khẩu đạt 96,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 94,7 tỷ USD).
Cũng theo Tổng cục Hải quan, số xuất siêu gia tăng do chủ yếu từ đóng góp của khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với 12,1 tỷ USD (tương ứng xuất khẩu đạt 67,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD). Khu vực DN trong nước nhập siêu hơn 9,9 tỷ USD.
Về quan hệ thương mại với các thị trường, Việt Nam tiếp tục nhập siêu lớn từ Trung Quốc với hơn 16, 5 tỷ USD, trong đó xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 16,5 tỷ USD, bằng với lượng nhập siêu từ Trung Quốc.
Hoạt động xuất nhập khẩu của các địa phương trong 7 tháng đầu năm 2016 nay, Hà Nội vẫn là tỉnh đứng đầu về mức thâm hụt thương mại với hơn 7,6 tỷ USD, trong khi đó, Thái Nguyên là địa phương có thặng dư thương mại khi xuất khẩu vượt nhập khẩu hơn 4 tỷ USD, tiếp sau là Bình Dương, Bắc Ninh lần lượt có thặng dư thương mại hơn 3 tỷ USD trong 7 tháng qua.