|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hơn 2 năm sau sự cố ông Lê Văn Hướng, JVC có hồi sinh nhờ mảng thiết bị y tế?

15:49 | 28/11/2017
Chia sẻ
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhu cầu thiết bị y tế của bệnh viện là rất lớn; cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam còn lạc hậu và thiếu thốn... là những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thiết bị y tế. BVSC nhận định rằng JVC có thể đạt kết quả tốt hơn ở hai quý cuối năm 2017 do việc mua sắm thiết bị y tế của các bệnh viện thường diễn ra vào thời gian này.
hon 2 nam sau su co ong le van huong jvc co hoi sinh nho tu mang thiet bi y te
Sau 2,5 năm sự cố ông Lê Văn Hướng, JVC có hồi sinh nhờ tăng trưởng ngành thiết bị y tế? (Ảnh minh hoạ)

Cuối tháng 6/2015, thị trường chứng khoán Việt Nam dậy sóng sau thông tin ông Lê Văn Hướng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (Mã: JVC) bị bắt tạm giam vì về tội lừa dối khách hàng.

Trước thời điểm ông Hướng bị bắt, trên thị trường đã xuất hiện tin đồn khiến cổ phiếu của JVC đã có nhiều phiên rớt giá thảm hại, cổ đông liên tục thoái vốn, cổ phiếu mất đến 80% giá trị chỉ trong vòng ba tháng. Không chỉ vậy, thời điểm đó báo cáo tài chính của JVC còn lộ diện hàng loạt sai phạm. Sau hơn 2 năm sự cố xảy ra, liệu JVC có hồi sinh?

Theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), JVC đang hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm:

Bán thiết bị y tế, vật tư tiêu hao bao gồm các thiết bị chẩn đoán hình ảnh của Hitachi (hệ thống cộng hưởng từ MRI, máy chụp cắt lớp vi tính CT, máy siêu âm, máy chụp XQuang, máy chụp X-Quang số hóa DR, CR…), máy nội soi, các loại máy chạy thận nhân tạo, vật tư máy chạy thận nhân tạo, và máy kiểm soát chống nhiễm khuẩn của Sakura.

hon 2 nam sau su co ong le van huong jvc co hoi sinh nho tu mang thiet bi y te
Ảnh: BVSC/JVC

Trong mảng này, JVC là đối tác phân phối độc quyền cho Hitachi (chiếm 20% thị phần thiết bị y tế Việt Nam), cạnh tranh trực tiếp với các nhà phân phối của GE, Phillip, Siemens...

Theo BVSC, điểm khác biệt mang lại lợi thế cạnh tranh cho JVC so với các đối thủ là JVC nhập khẩu trực tiếp từ Hitachi Nhật Bản sau đó bán lại cho các bệnh viện hoặc tổng thầu. Trong khi đó, đối thủ của JVC phải đặt hàng thông qua văn phòng đại diện của hãng tại Việt Nam. Như vậy, mô hình kinh doanh qua ít trung gian giúp JVC giảm bớt được chi phí, mua được hàng với giá tốt hơn và có giá bán cạnh tranh hơn. Ngoài mảng kinh doanh thiết bị y tế lớn, JVC còn cung cấp vật tư tiêu hao như phim… của Fuji, Konica.

JVC cũng mở rộng danh mục bán hàng sang các sản phẩm có tên tuổi và uy tín ở thị trường Việt Nam như hệ thống kiểm soát chống nhiễm khuẩn của Sakura. Mảng kinh doanh này đóng góp khoảng 70% doanh thu của JVC, mang lại biên lợi nhuận khá tốt và có sự cải thiện đáng kể từ 20,3% trong quý I/2017 lên 28% trong quý II/2017.

Đầu tư liên kết với bệnh viện thông qua việc mua máy, lắp đặt tại bệnh viện và chia sẻ lời/lỗ từ thiết bị đó với bệnh viện. Tỷ lệ chia khoảng 7:3 hoặc 6:4, JVC có thể được hưởng từ 60 - 70% lãi ròng từ thiết bị y tế và bệnh viện hưởng phần còn lại. Lãi ròng được tính bằng doanh thu trừ chi phí vận hành. Thời gian hoàn vốn của mỗi máy khoảng 1,5 - 3 năm. Hợp đồng liên kết thường kéo dài từ 7 - 10 năm, sau đó gia hạn thêm 3 - 5 năm.

BVSC cho rằng đây là mảng kinh doanh đầy tiềm năng, mang lại doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền ổn định cho công ty. Theo thông tin từ phía công ty, JVC là công ty tiên phong trong mảng đầu tư liên kết với bệnh viện, đang sở hữu 130 dự án đầu tư liên kết với hơn 80 bệnh viện. Mảng này đóng góp khoảng 26% doanh thu. Biên lợi nhuận gộp là 32% trong quý II/2017, tăng 9% so với quý I.

Cung cấp các xe khám lưu động, dịch vụ sửa chữa máy móc cho bệnh viện chỉ đóng góp khoảng 4% doanh thu nhưng đây là mảng tạo ra giá trị đặc biệt của JVC so với đối thủ. Cụ thể, JVC có dịch vụ hậu mãi, luôn có kỹ thuật viên hướng dẫn sử dụng, bảo hành và bảo dưỡng thiết bị cho bệnh viện, giúp bệnh viện tiết kiệm được chi phí vận hành. Hitachi cũng cử người trực tiếp đào tạo cho kỹ thuật viên của JVC và hỗ trợ khi cần thiết.

Trong khi các đối thủ của JVC hầu như không làm được mảng này vì phải phụ thuộc vào chính sách bảo hành của hãng. BVSC cho rằng điều này giúp JVC nắm bắt được nhu cầu đầu tư, mua sắm thiết bị của bệnh viện và hiểu rõ hơn về sản phẩm mà công ty phân phối.

Trước đây, trong vai trò là tổng thầu JVC lấy dự án chủ yếu dựa trên quan hệ của lãnh đạo cấp cao. Do đó, hoạt động công ty chịu ảnh hưởng lớn khi người lãnh đạo gặp rủi ro. Hiện nay, JVC tập trung vào đầu tư nâng cao năng lực bán hàng thông qua việc tổ chức các buổi hội thảo, tạo mối quan hệ với bác sĩ (người sử dụng sản phẩm) để họ hiểu hơn về sản phẩm, sử dụng thiết bị hiệu quả hơn. Đây là nguyên nhân khiến chi phí bán hàng tăng lên 51 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2017, gấp 3 lần cùng kỳ.

Tiếp tục xử lý tồn đọng từ quá khứ

Theo báo cáo, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn khiến nhiều nhà cung cấp có ý định ngừng hợp tác với JVC. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của đối tác chiến lược Nhật Bản cũng như những nỗ lực của ban điều hành mới, JVC đang dần lấy được niềm tin từ nhà cung cấp.

Cụ thể Hitachi đã chấp thuận cho JVC phân phối ở thị trường miền Nam từ tháng 3/2017 mặc dù JVC bị cắt hợp đồng năm 2016. Thời gian thanh toán đơn hàng và hạn mức tín dụng cũng được đối tác kéo dài hơn so với trước đó. Những tồn đọng trong quá khứ tiếp tục được JVC xử lý, các khoản phải thu, nợ khó đòi đã được công ty trích lập dự phòng đầy đủ.

Scandal năm 2015 vẫn ảnh hưởng đến việc bán hàng của JVC

Theo BVSC, rủi ro đối với JVC hiện tại là mối quan hệ với bệnh viện bị ảnh hưởng sau sự cố xảy ra năm 2015 khiến việc bán hàng không thuận lợi bên cạnh sự phụ thuộc vào nhà cung cấp Hitachi khi họ có những thay đổi về chính sách kinh doanh, chính sách đại lý hay thị hiếu tiêu dùng chuyển sang các hãng khác.

Xét về thị phần trên toàn cầu, Siemens, GE, Philips là 3 hãng có thị phần lớn nhất về thiết bị y tế chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên JVC đặc biệt có thế mạnh trong mảng CT và là hãng duy nhất chuyển giao hoạt động bảo trì, dịch vụ máy cho đại lý. Hay nói cách khác đây cũng là lợi thế của JVC khi có khả năng cung cấp dịch vụ nhanh và rẻ so với các hãng khác trên thị trường.

hon 2 nam sau su co ong le van huong jvc co hoi sinh nho tu mang thiet bi y te
Nguồn: BVSC/Statista

Giá trị thiết bị y tế tăng lên 1 tỷ USD vào năm 2018

Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng kéo theo sự tăng lên trong nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam còn lạc hậu và thiếu thốn, thường xuyên trong tình trạng quá tải. Do đó nhu cầu về trang thiết bị y tế của các bệnh viện là rất lớn. Theo ước tính của Espicom Business Intelligence giá trị thiết bị y tế năm 2016 đạt khoảng 837 triệu USD và sẽ tăng lên mức 1 tỷ USD vào năm 2018.

BVSC nhận định triển vọng tăng trưởng của ngành thiết bị y tế được đánh giá là rất khả quan dựa trên các yếu tố như tuổi thọ trung bình của người Việt tăng lên, cơ cấu dân số già hơn thúc đẩy nhu cầu sử dụng các thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh phát triển và hiện đại hóa các cơ sở và thiết bị y tế công ở các tỉnh, thành phố lớn và địa phương để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng và giảm thiểu tình trạng quá tải. Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao chất lượng ngành y tế. Ngoài ra các bệnh viện đang có nhu cầu thay thế máy cũ bằng máy có công nghệ cao hơn.

hon 2 nam sau su co ong le van huong jvc co hoi sinh nho tu mang thiet bi y te
Nguồn: BVSC/Business Monitor

Trong năm 2017, JVC đặt kế hoạch doanh thu đạt 630 tỷ đồng và lãi sau thuế 19 tỷ đồng. Theo chu kỳ kinh doanh, BVSC nhận định JVC có thể đạt kết quả tốt hơn ở hai quý cuối năm do việc mua sắm thiết bị y tế của các bệnh viện thường diễn ra vào thời gian này.

Sau sự cố 2015 thì từ đó đến nay giá cổ phiếu JVC đã đi ngang 2 năm, lình xình quanh mức dưới 5.000 đồng/cp. Thậm chí cổ phiếu JVC thuộc vào diện kiểm soát từ ngày 1/8/2017 do Công ty liên tục lỗ lũy kế.

hon 2 nam sau su co ong le van huong jvc co hoi sinh nho tu mang thiet bi y te
Diễn biến giá cổ phiếu JVC từ đầu năm 2015 đến nay (Nguồn: VNDirect)

Hoàng Kiều