Hồ tiêu mất giá, nhiều hộ dân vẫn phải bán để lấy tiền trả nợ, nhân công
Hồ tiêu mất giá nhưng giá thuê nhân công vẫn cao
Trong những năm qua, cây hồ tiêu được xem là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân Tây Nguyên thoát nghèo. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây tiêu lại gặp sâu bệnh hại gây chết cây, người dân ồ ạt trồng tiêu nên giá thành hạ thấp xuống khiến hồ tiêu không còn được xem là cây “vàng đen”.
Ông Hoàng Đình Nghĩa (SN 1964, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình ông có hơn 2 sào tiêu năm thứ 4. Theo ông Nghĩa, vào vụ mùa năm ngoái gia đình ông thu bói được khoảng 3 tạ tiêu. Đến năm nay, mặc dù là vụ thu chính đầu tiên nhưng gia đình ông chỉ dự trì thu được khoảng 8-9 tạ.
Năm nay thời tiết thất thường nên tiêu mắc bệnh cháy lá và nấm hồng khiến cho năng suất của tiêu bị giảm. (Ảnh: Trang Anh) |
Theo ông Nghĩa, năm nay thời tiết thất thường nên tiêu mắc bệnh cháy lá và nấm hồng khiến cho năng suất của tiêu bị giảm. Không những thế, năm nay giá tiêu bị tụt sâu cũng khiến các nhà vườn như ngồi trên đống lửa.
“Năm ngoái gia đình tôi còn bán tiêu được với giá 110.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giờ đây giá tiêu chỉ còn được 60.000 đồng. Sau khi thu hoạch, nhà tôi bán hết, trừ chi phí công và phân bón chắc chẳng dư được đồng nào”, ông Nghĩa buồn rầu nói.
Tương tự ông Nghĩa, gia đình ông Nguyễn Ngọc Lâm (SN 1968, thôn 8, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) cho biết, gia đình ông có khoảng 5ha với 5.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch. Năm nay với số trụ tiêu trên gia đình ông thu được khoảng 5 tấn tiêu.
Ông Lâm còn cho hay, năm nay không chỉ tiêu mất mùa, mất giá mà vấn đề thuê nhân công hái cũng là vấn đề nan giải đối với người dân nơi đây.
Với số trụ tiêu của gia đình ông, ông tìm kiếm khắp nơi mới thuê được 15 người hái. Do đó thời gian hái kéo dài đến vài tháng, tiền thuê nhân công mỗi ngày 180.000 đồng/người cũng khiến gia đình tốn không ít chi phí.
“Mặc dù giá tiêu đang thấp nhưng gia đình vẫn phải bán đi để lấy tiền trả nợ ngân hàng, trả tiền công thuê và phân bón. Nếu trừ tất cả chi phí thì năm nay gia đình tôi lãi được gần 100 triệu đồng, ít hơn so với những năm trước.
Năm nay tôi chỉ mong vườn tiêu ít bệnh tật, không có gốc tiêu nào bị chết. Bên cạnh đó giá thành nhích lên để bà con chúng tôi yên tâm trồng trọt và chăm sóc cho cây”, ông Lâm tâm sự.
Hiện tại người dân trên địa bàn đang trữ tiêu, đợi giá nhích lên. (Ảnh: Trang Anh) |
Ông Lương Quốc Khoa (SN 1975, thôn Lộc Bằng, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) với khoảng 1ha tiêu năm thứ 4.
Theo ông Khoa, năm ngoái gia đình ông thu được khoảng 2 tấn, năm nay mặc dù tiêu cho quả sai hơn nhưng do cây mắc bệnh chết chậm và rệp nên năng suất giảm, cũng chỉ thu được 2 tấn cho vụ chính.
“Vụ tiêu năm nay khó khăn đủ đường từ bệnh tật đến giá thành và nhân công hái. Gia đình tôi phải tìm kiếm, nhờ vả mãi mới thuê được hơn 10 người hái tiêu với giá 180.000 đồng/người/ngày. Với hơn 10 nhân công này hái hơn 20 ngày mới xong vườn tiêu của gia đình nên cũng có nhiều trái chín bị rụng dưới gốc”, ông Khoa nói.
Cũng theo ông, do giá tiêu thấp, chỉ còn khoảng 60.000 đồng nên gia đình ông đang trữ tiêu đợi giá lên mới tung ra bán với hy vọng kiếm lời.
“Với giá cả như hiện nay, gia đình tôi mà bán, trừ tất cả chi phí bỏ ra thì chắc chỉ hòa vốn chứ không có lời. Do đó, gia đình đang găm lại để đợi giá nhích lên tí rồi bán với hy vọng thu lại chút công sức chăm bón suốt những năm qua”, ông Khoa bộc bạch.
Liên quan đến vấn đề này, ông Mã Văn Học, Chủ tịch hội nông dân xã Bình Thuận (Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn xã có 960ha hồ tiêu, tuy nhiên do năm nay xuất hiện sâu bệnh hại nên có khoảng 11ha hồ tiêu bị chết.
Cũng theo ông Học, năm nay cây hồ tiêu bị sâu bệnh nhiều, giá thấp nên người dân sau khi thu hoạch nếu bán ra ngay sẽ không có lời mà có thể lỗ tiền công, phân bón…
“Hiện tại người dân trên địa bàn đang trữ tiêu, đợi giá nhích lên sẽ bán với hy vọng hòa vốn, hoặc kiếm lời chút ít”, ông Học nói.
Tại tỉnh Đắk Lắk, theo quy hoạch đến năm 2020, sẽ phát triển 16.000 ha hồ tiêu nhưng nay đã vượt lên 21.000 ha. Tại tỉnh Gia Lai, hiện đã có trên 16.000 ha, vượt gấp ba lần quy hoạch. Trong khi đó tỉnh Đắk Nông đã vượt 4 lần so với quy hoạch. |