|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: 'Người ra đi có thể trở lại'

13:34 | 28/04/2017
Chia sẻ
4,75 triệu hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp có thể là bước chuyển lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc các đơn vị sau khi lên doanh nghiệp cũng có thể về lại hộ kinh doanh nếu không thực sự có được lợi ích.
ho kinh doanh len doanh nghiep nguoi ra di co the tro lai
Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: 'Người ra đi có thể trở lại'. ( Ảnh: Ngọc Thắng).

Hộ kinh doanh chưa chịu "lớn"

Với khoảng 4,75 triệu hộ kinh doanh doanh, số lượng này đang gấp khoảng 10 lần số doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Nếu tất cả các hộ kinh doanh này nâng lên thành doanh nghiệp thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 rất dễ dàng.

Nhưng có nên bằng mọi cách để thúc đẩy các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp là câu hỏi được ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương đặt ra tại buổi công bố báo cáo nghiên cứu "Chính thức hoá” hộ kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” do CIEM tổ chức hôm nay (28/4).

Một câu hỏi được đặt ra tại sao số lượng hộ kinh doanh vẫn chiếm phần lớn trong đời sống kinh tế của Việt Nam, trong khi từ năm 1999, Luật doanh nghiệp đã "thoáng" hơn với việc quy định chỉ cần thường xuyên có 10 lao động, các hộ này có thể trở thành doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Ban Thể chế (CIEM) cho biết, theo kết quả phỏng vấn sâu của CIEM cho thấy không ít hộ kê khai vốn kinh doanh và tài sản cố định thấp hơn nhiều so với giá trị thực để “giảm sự quan tâm, để ý” của cơ quan chức năng. Hộ kinh doanh có nhiều lợi thế khi đối tượng góp vốn, tham gia rộng hơn. Hồ sơ, thủ thục góp vốn và tham gia kinh doanh của hộ kinh doanh cũng đơn giản hơn. Chưa kể chi phí để quản lý của các hộ này cũng rẻ hơn doanh nghiệp.

Hơn nữa khi đã thành doanh nghiệp, các hộ phải thay đổi chế độ kế toán, phải có hóa đơn chứng từ, đàng từ nộp thuế khoán phải chuyển thành kê khai nộp thuế… Như vậy sẽ phải thêm nhân lực làm kế toán, phải xây dựng hệ thống quản trị và phát sinh nhiều chi phí. Nhiều hộ vẫn mang tâm lý nặng nề là doanh nghiệp phải thường xuyên đụng chạm đến nhiều thủ tục hành chính và quy định hiện hành nên nguy cơ bị xử phạt hành chính cao gấp đôi… vì thế phần lớn hộ kinh doanh không muốn lớn.

Kể cả quy định không được có trên 10 lao động cũng không phải là bất lợi đối với hộ kinh doanh, một đại biểu đến từ Bộ Nội vụ bình luận. Bà này cho rằng, pháp luật vẫn còn những khe hở kiểm soát hoạt động kinh doanh hộ gia đình, bởi vậy, các đơn vị này hoàn toàn tự do trong "lãnh địa" của mình, số lượng lao động không hề được kiểm soát kỹ. Như vậy, các hộ kinh doanh vẫn còn nhiều lý do để không chịu "lớn".

Không điều chỉnh bằng mệnh lệnh hành chính

"Hộ kinh doanh gia đình không chỉ đóng góp cho nền kinh tế GDP, giải quyết việc làm mà còn là người cung ứng hàng hóa cho đông đảo người dân nhất là người có thu nhập thấp", ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.

Ông cho rằng có những việc chỉ hộ kinh doanh mới làm được như lữu giữ các làng nghề truyền thống. Đây là đặc trưng mà mô hình doanh nghiệp sẽ không gìn giữ được. Vì vậy, theo ông, việc khuyến khích chuyển tư hộ kinh doanh lên doanh nghiệp đều phải có sự tính toán rõ ràng những mặt lợi và hại cho chính các hộ này.

Ông Bùi Anh Tuấn phân tích, trên thực tế, các hộ kinh doanh sau khi chuyển thành doanh nghiệp rất có thể sẽ "ra đi có thể trở lại" thành hộ kinh doanh như cũ nếu không thấy được lợi ích khi là doanh nghiệp. Tuy vậy, ông đánh giá cao các doanh nghiệp đi từ nền tảng hộ gia đình sau khi đã nếm trải những khó khăn và khả năng thích ứng cũng sẽ cao hơn doanh nghiệp mới thành lập.

Các chuyên gia từ CIEM cho rằng cần có chương trình khuyến khích để các hộ kinh doanh thực sự "vui vẻ" vươn lên thành doanh nghiệp. Một số ví dụ được đưa ra như khi họ thành lập doanh nghiệp cần được kế thừa những giấy phép đã có, kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, không buộc họ phải làm thủ tục chấm dứt họa động kinh doanh của hộ rồi lại làm thủ tục thành lập doanh nghiệp xin lại giấy phép. Cần giảm bớt chế độ kế toán, thể chế hóa các cơ chế chính sách hỗ trợ hộ thành doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa mà các doanh nghiệp đi từ hộ này có thể tham gia.

Ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư CIEM cũng nhận định, nên khuyến khích các hộ kinh doanh lớn lên thành doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội mở rộng sản xuất. Việc này phải đi từ đánh giá lợi ích của chính các hộ đó thay vì điều chính bằng mệnh lệnh hành chính.

Nam Anh