|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp hội Mía đường muốn nhập khẩu 100% đường thô

08:45 | 16/05/2017
Chia sẻ
Hiệp hội Mía đường cho rằng việc nhập khẩu 100% đường thô hoặc tỷ lệ đường thô cao hơn đường tinh luyện sẽ tạo việc làm cho các nhà máy đường luyện trong nước.

Liên quan đến việc đấu giá hạn ngạch thuế quan, mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BTC về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 89.500 tấn đường (Mã HS 1701) năm 2017, nhưng Hiệp hội Mía đường cho biết vẫn còn một số đề nghị của Hiệp hội chưa được chấp thuận.

Trong đó bao gồm đề nghị nhập khẩu 100% đường thô hoặc tỷ lệ đường thô cao hơn đường tinh luyện. Việc này sẽ tạo việc làm cho các nhà máy đường luyện trong nước, theo ý kiến của Hiệp hội.

Ngoài vấn đề đấu giá hạn ngạch thuế quan, Hiệp hội cũng đưa ra một số tồn tại, khó khăn và vướng mắc của các doanh nghiệp mía đường trong kiến nghị gửi Thủ tướng.

hiep hoi mia duong muon nhap khau 100 duong tho
Hiệp hội Mía đường muốn nhập 100% đường thô. (Ảnh minh họa)

Giá mía nguyên liệu cao vì quy hoạch chưa tới

Liên quan đến vấn đề quy hoạch mía đường, Hiệp hội đưa ra thực trạng nhiều nơi chưa hình thành được vùng nguyên liệu như quy hoạch hoặc quy hoạch tại nhiều nơi bị phá vỡ.

Hiện nay, diện tích trồng mía ở nước ta vẫn nhỏ lẻ, nhiều diện tích mía là vùng đồi núi, không có nguồn nước tưới nên không thể áp dụng các biện pháp thâm canh. Kết quả là, giá thành nguyên liệu mía luôn ở mức cao trong khi năng suất và chất lượng mía thấp so với các nước trồng mía trong khu vực.

Một nguyên nhân khác khiến giá mía nguyên liệu tăng cao, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, là việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh trong giá thu mua nguyên liệu trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

Để đảm bảo tính công bằng trong việc định giá mía nguyên liệu, Hiệp hội Mía đường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Hiệp hội nhiệm vụ giám sát việc xác định chất lượng mía (chữ đường) làm căn cứ để thanh toán tiền mua bán mía nguyên liệu giữa người trồng/bán mía và nhà máy/công ty.

Đường chưa được khai thác hiệu quả

Theo nhận định của Hiệp hội Mía đường, đường chưa được khai thác hiệu quả vì nhiều nguyên nhân, như chính sách hay giá điện nối lưới từ đồng phát nhiệt điện ở nhà máy đường hiện nay đang ở mức thấp nên không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư.

Theo đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ cải thiện chính sách khuyến khích điện bã mía, mà quan trọng nhất là nâng giá mua điện lên như điện sinh khối. Nói cách khác, Hiệp hội đề nghị xem xét tính một giá thống nhất giữa điện đồng phát từ bã mía của các nhà máy đường đầu tư nối lưới điện và điện sinh khối.

Một khó khăn khác mà ngành mía đường cũng đang phải đối mặt là tình trạng buôn bán đường lậu, đặc biệt là ở biên giới Campuchia, vẫn diễn biến phức tạp và không được ngăn chặn triệt để. Trong khi đó, giá đường nội địa hiện nay lại bị chi phối bởi đường lậu từ Thái Lan.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là khó khăn lớn đối với ngành mía đường nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung. Hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng và chất lượng mía nước ta.

Hiệp hội Mía đường cho rằng, chính phủ cần có tầm nhìn xa hơn đối với ngành mía đường. Theo đó, Hiệp hội đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng chuyển Xây dựng Nghị định sản xuất kinh doanh mía đường (đã được Chính phủ chấp thuận) thành Pháp lệnh mía đường.

Kim Dung