Hiệp định Kinh tế và thương mại toàn diện EU-Canada có hiệu lực
Hiệp định Kinh tế và thương mại toàn diện EU-Canada có hiệu lực. |
Tuy nhiên, việc thực hiện đầy đủ hiệp định sẽ chỉ có thể trở thành hiện thực sau khi nhận được sự phê chuẩn của toàn bộ 28 nước thành viên EU và cơ quan lập pháp các vùng trong một tiến trình được cho là sẽ kéo dài nhiều năm.
Sau khi được triển khai, CETA tác động tới 510 triệu người tiêu dùng tại châu Âu và 35 triệu người tiêu dùng Canada. Theo thỏa thuận, các công ty có quyền đệ đơn kiện tại các tòa án đặc biệt nếu quyền lợi của họ bị vi phạm do sự thay đổi chính sách của các chính phủ.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định CETA thể hiện mong muốn của các nước biến chính sách thương mại trở thành công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho công dân cũng như các doanh nghiệp châu Âu.
Ông Juncker cũng cho rằng thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy các giá trị, tận dụng toàn cầu hóa và định hình các quy tắc thương mại toàn cầu.
EU đã hoan nghênh hiện thực hóa CETA, coi đây là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước tới nay và sẽ đặt ra tiêu chuẩn mới cho các thỏa thuận trong tương lai giữa EU và Nhật Bản, Australia cũng như New Zealand.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định CETA có thể trở thành hình mẫu cho các mối quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai hậu Brexit. Tuy nhiên, văn kiện này cũng vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động xã hội lo ngại các tác động về môi trường và sức khỏe.
Hiệp định Tự do thương mại giữa EU và Canada được ký kết vào cuối tháng 10/2016 tại Brussels, sau một thời gian bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của vùng Wallonnie - khu vực nói tiếng Pháp của Bỉ.