|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Heo quá lứa, dư cung và cuộc đua gồng lỗ của nông dân: Chuyện không của riêng Việt Nam

07:36 | 26/10/2021
Chia sẻ
Không chỉ riêng Việt Nam, nông dân và doanh nghiệp tại các nước sản xuất thịt heo lớn như Trung Quốc, Đức và Anh cũng đang gồng mình gồng lỗ vì heo quá lứa, dư cung và giá heo hơi lao dốc.

Heo quá lứa, nông dân Việt Nam lỗ đầm đìa

Vài tháng gần đây, giá heo hơi tại Việt Nam liên tục giảm sâu, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 9 đến nay. Điều này đang đè nặng lên ngành chăn nuôi trong nước, khiến doanh nghiệp lúng túng còn nông dân chật vật gồng lỗ.

Trong hai tháng 3 và 4 năm nay, giá heo hơi dao động ở mức 70.000 - 75.000 đồng/kg; đến tháng 8, 9 giá tụt xuống còn 42.000 - 50.000 đồng/kg; và ở thời điểm hiện tại thì duy trì quanh mức 35.000 - 45.000 đồng/kg.

Trong khi đó, chi phí chăn nuôi khoảng 52.000 đồng/kg, có nơi lên tới 55.000 - 60.000 đồng/kg, theo số liệu từ Cục Chăn nuôi.

Một số địa phương còn ghi nhận giá xuống dưới 35.000 đồng/kg đối với heo quá lứa, khối lượng khoảng 130 - 160 kg.

 

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu giảm. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi (ASF) tái bùng phát tại gần 56 tỉnh, thành khiến nông dân phải tiêu hủy gần 143.000 con heo càng làm cho nhà nông nao núng.

Chưa kể, từ những tháng cuối năm ngoái, giá của nhiều loại thức ăn chăn nuôi tăng cao đến 40.000 - 45.000 đồng/bao so với tháng 10/2020, ăn mòn vào lợi nhuận của người chăn nuôi heo tại Việt Nam. Với giá heo neo quanh mức hiện tại, người nông dân đã lỗ ít nhất 1 - 2 triệu đồng/con.

Một số hộ chấp nhận gồng lỗ, chăm heo quá lứa để chờ giá heo hơi phục hồi. Nông dân vốn đã thiệt lại càng thêm hại. Số khác phải bán tống bán tháo bằng mọi giá để vớt vát, thậm chí phải tự xẻ thịt đem bán.

Theo một số ước tính, số lượng heo quá lứa còn tồn đọng tại Việt Nam chiếm khoảng 30% lượng heo đến tuổi xuất chuồng (tương đương khoảng 1,5 triệu con).

Heo quá lứa, dư cung và cuộc đua gồng lỗ của nông dân: Chuyện không của riêng Việt Nam - Ảnh 2.

Heo quá lứa, nông dân Việt Nam lỗ đầm đìa. (Ảnh minh họa: Báo Nghệ An).

Chuyện không riêng mình Việt Nam

Không chỉ ở Việt Nam, nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi heo tại các thị trường hàng đầu như Trung Quốc, Đức, Anh,… cũng phải chật vật trước tình trạng heo khó xuất chuồng và thậm chí là nguồn cung dư thừa.

Đơn cử như tại Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, trong đó chiếm đến 50% tiêu thụ thịt heo toàn cầu, cán cân cung - cầu đang bị mất cân bằng nghiêm trọng do người chăn nuôi ồ ạt tái đàn để "bắt sóng" cơn sốt giá thịt heo năm 2019.

Theo Phó Giám đốc Flora Chang của S&P Global Ratings, đợt bùng phát của dịch ASF vào năm 2018 đã quét sạch 40% đàn heo của Trung Quốc, khiến giá thịt heo leo thang do nguồn cung khan hiếm.

"Nông dân lẫn doanh nghiệp dốc sức tăng sản lượng. Cùng với trợ cấp của chính quyền địa phương, họ mạnh dạn vay mượn để mở rộng sản xuất", bà Chang nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, nguồn cung thịt heo trong 9 tháng đầu năm nay tăng 61% và chỉ riêng trong tháng 9 đã nhảy vọt 95,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trái với kỳ vọng của ngành, giá heo hơi sau chu kỳ tăng nóng lại nhanh chóng hạ nhiệt. Cũng trong tháng 9 vừa qua, chỉ số giá heo hơi tại 16 tỉnh lớn của Trung Quốc đạt trung bình 17,13 nhân dân tệ, tụt khoảng 15% so với tháng 8 và mất 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Heo quá lứa, dư cung và cuộc đua gồng lỗ của nông dân: Chuyện không của riêng Việt Nam - Ảnh 3.

 

Kết quả là, Trung Quốc bị thừa cung thịt heo. Tương tự tại Việt Nam, nông dân Trung Quốc đứng ngồi không yên vì giá giảm sâu, không biết nên bán cắt lỗ hay đợi giá khởi sắc.

Chưa kể, các trận lũ lớn vào mùa hè năm nay cũng giáng một đòn đau vào nông dân nuôi heo ở nền kinh tế tỷ dân. Nông dân khắp tỉnh Hà Nam, một vùng chăn nuôi heo trọng điểm của Trung Quốc, không những mất trắng sinh kế mà còn phải chịu rủi ro dịch bệnh tái bùng phát.

Chia sẻ với CGTN, ông Kong Liang, một quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho hay: "Nếu sản lượng không giảm đáng kể, đà giảm của giá thịt khó mà đảo chiều…nông dân nuôi heo sẽ lỗ nặng".

Heo quá lứa, dư cung và cuộc đua gồng lỗ của nông dân: Chuyện không của riêng Việt Nam - Ảnh 4.

Một người nông dân Hà Nam tìm cách treo chuồng heo lên cao để tránh nước lũ. (Ảnh: SCMP).

Ở diễn biến khác, từ giữa tháng 7, các nhà chức trách tại Đức, nước xuất khẩu thịt heo lớn thứ ba thế giới tính theo kim ngạch năm 2020, đã phát hiện ít nhất ba ổ dịch ASF trên các trang trại heo nội địa ở bang Brandenburg.

Trước đó, virus chỉ xuất hiện trên động vật hoang dã và được cho là có nguồn gốc từ Ba Lan. Trung Quốc và các khách hàng châu Á khác đã cấm nhập khẩu thịt heo của Đức từ tháng 9/2020.

Trong một tuyên bố, người đứng đầu cơ quan y tế Brandenburg - bà Ursula Nonnemacher, bày tỏ: "Trong gần một năm qua, chúng tôi phải không ngừng ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ Ba Lan".

Do đó, nguồn cung thịt heo của Đức bỗng dư thừa, kéo giá thịt heo xuống mức thấp hơn và làm giảm tính cạnh tranh của thịt heo Đức. Cũng nhờ đó, đối thủ của Đức là Tây Ban Nha đã tăng cường xuất khẩu loại protein này sang Trung Quốc.

Câu chuyện ở Anh, cũng là một cường quốc xuất khẩu thịt heo, lại mang màu sắc khác hơn, dù đối tượng chịu thiệt hại chủ yếu vẫn là nông dân và doanh nghiệp ngành chăn nuôi heo.

Tình trạng thiếu hụt công nhân tại các lò mổ cũng như việc giá khí đốt tăng nóng khiến các cơ sở chế biến thịt không thể gây mê động vật trước khi giết thịt đang khiến lượng heo tồn đọng tại các trang trại tăng cao, tờ Independent đưa tin.

Trong khi đó, giá thịt heo ở mức thấp lại đang đẩy nông dân vào nguy cơ phá sản. Ước tính, các hộ chăn nuôi heo đang thiệt hại khoảng 20.000 bảng Anh (tương đương hơn 27.000 USD hay hơn 618 triệu đồng)/tuần.

Ông Phil Woodall, Tổng Giám đốc tại Thames Valley Cambac - một công ty tiếp thị thịt heo hàng đầu nước Anh, cho biết trước hết ngành chăn nuôi heo bị xáo trộn vì "thiếu hụt lượng lớn công nhân chế biến thịt heo do hậu quả của Brexit và sau là do đại dịch COVID-19".

Cái khó ló cái khôn

Để cân bằng cung - cầu, Bắc Kinh đã giải phóng kho dự trữ quốc gia trong thời kỳ thiếu hụt, và gần đây đã mua vào để kích thích giá heo hơi đi lên, lần lượt trong tháng 7 và tháng 9. Dù vậy, kho dự trữ chiến lược lại không tác động mấy đến thị trường vì lượng mua vào còn thấp so với tổng cung và giá heo hơi tại Trung Quốc vẫn giảm.

Cùng với kho dự trữ quốc gia, giới chức Trung Quốc còn công khai khuyến khích người dân tăng tiêu thụ thịt heo. Đầu tháng 9, ông Ma Youxiang - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, phát biểu: "Trong vài tháng qua, giá thịt heo giảm rất nhanh, chúng tôi hy vọng mọi người có thể tận dụng cơ hội này để ăn nhiều thịt heo và mua nhiều thịt heo hơn".

Heo quá lứa, dư cung và cuộc đua gồng lỗ của nông dân: Chuyện không của riêng Việt Nam - Ảnh 5.

Bít cửa xuất thịt heo sang châu Á, Đức chuyển hướng sang châu Âu và Anh. (Ảnh minh họa: AP).

Trong khi đó, Đức đã tìm ra một cách khác để giải quyết tình trạng dư cung thịt heo trong nước: giành thị phần từ các đối thủ như Tây Ban Nha. Theo Reuters, các nhà chế biến thịt của Đức đang xuất sườn heo và thịt xông khói sang Liên minh châu Âu (EU) và Anh sau khi bít cửa sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Dù biên lợi nhuận khi bán thịt heo sang EU và Anh thấp hơn so với sang Trung Quốc, nông dân và doanh nghiệp Đức vẫn có thể bù đắp phần nào lợi nhuận. Song, động thái này lại càng gây hại cho nông dân tại Anh.

"Đức - một trong những cường quốc chăn nuôi heo ở EU, đang bán tống bán tháo thịt heo giá rẻ ra khắp châu Âu. Đây là một yếu tố đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng của Anh", Tổng Giám đốc của Thames Valley Cambac nhấn mạnh.

Song song với đó, Đức vẫn đang cố gắng vận động hành lang để các thị trường lớn tại châu Âu cho phép nước này xuất khẩu thịt từ những khu vực không có dịch ASF.

Còn tại Việt Nam, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết sẽ có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng.

Ông cho rằng "cần có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn heo, chưa xuất chuồng được". Đồng thời Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.

Bộ Công Thương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng.

Yên Khê