|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hậu sáp nhập ngân hàng, câu chuyện của thời gian...

09:52 | 04/05/2017
Chia sẻ
Sáp nhập ngân hàng vừa là cơ hội lẫn thách thức trong tiến trình hội nhập. Nhiều thương vụ đã diễn ra trong những năm qua. Câu trả lời về hiệu quả hoạt động sau đó vẫn cần thêm rất nhiều thời gian.
hau sap nhap ngan hang cau chuyen cua thoi gian
Bài toán sáp nhập ngân hàng: Được gì và mất gì? (Ảnh minh họa)

Đã có những thương vụ được hoàn tất một cách êm đẹp nhưng cũng có thương vụ ảnh hưởng kéo dài sau đó.

Đó là chưa kể những "mối lương duyên" bất thành bởi nỗi lo gánh nặng nợ xấu của ngân hàng yếu kém, dẫn đến nguy cơ sụt giảm lợi nhuận, hao tổn danh tiếng, tình huống xấu hơn là thua lỗ. Một phần cũng do không có sự đồng thuận của lãnh đạo ngân hàng, cơ quan chức năng trong việc tái cơ cấu.

Trên thực tế, nhiều thương vụ sáp nhập đã diễn ra trong những năm qua. Câu trả lời về hiệu quả hoạt động sau đó vẫn cần thêm thời gian.

SHB loay hoay gần 5 năm với cục nợ xấu từ Habubank, cổ phiếu dưới mệnh giá triền miên

Việc sáp nhập Habubank vào SHB năm 2012 làm tổng tài sản của SHB tăng 28%, lên 103.785 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng gần gấp đôi lên 8.865 tỷ đồng. Nhờ tiếp quản 90 điểm giao dịch, chi nhánh của Habubank, SHB đã nâng số lượng chi nhánh và phòng giao dịch lên 211 điểm.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2017, lãnh đạo SHB cho biết thời điểm sáp nhập Habubank, nợ xấu của Habubank chuyển sang là 8.600 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của SHB tăng từ 2,23% lên 8,81%. Đến nay, SHB đã thu hồi 2.800 tỷ đồng, bán 3.500 tỷ đồng cho VAMC, nhưng trong quá trình hoạt động nên ngân hàng vẫn tiếp tục phát sinh nợ xấu.

Tính đến 31/12/2016, nợ xấu của SHB là 2.300 tỷ đồng. Nợ xấu từ Tập đoàn Công nghiệp Việt Nam (Vinashin) khoảng 1.600 tỷ đồng, đã bán cho VAMC một phần, còn lại gần 950 tỷ đồng nội bảng.

Trong suốt 4 năm sau sáp nhập, SHB vẫn báo lãi đều, tỷ lệ cổ tức hàng năm khoảng 7% - 7,5% và chi bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu SHB dưới mệnh giá làm cho nhiều cổ đông nhỏ lẻ bức xúc.

Sacombank - ván bài tái cơ cấu chỉ mới bắt đầu

Năm 2015, sau khi sáp nhập SouthernBank, Sacombank lọt Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản gần 290.900 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 22.645 tỷ, vốn điều lệ đạt 18.852 tỷ đồng. Đồng thời mạng lưới hoạt động lên đến 567 điểm giao dịch và tổng nhân viên là 15.510 người.

hau sap nhap ngan hang cau chuyen cua thoi gian
Lợi nhuận trước thuế và tỷ lệ nợ xẩu của Sacombank trước và sau khi sáp nhập.
(Biểu đồ: Diệp Bình tổng hợp)

Trong báo cáo tài chính 2016 của Sacombank không nêu lượng nợ xấu bán cho VAMC nhưng giá trị chứng khoán nợ do các tổ chức trong nước phát hành liên tục tăng từ 5.935 tỷ (2014) lên mức 15.142 tỷ (2015) và lên 38.300 tỷ đồng (2016). Đến hết quý I/2017, giá trị trái phiếu VAMC mà Sacombank nắm giữ là 37.760 tỷ đồng.

Từ một ngân hàng có vị thế dẫn đầu trong các ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh, Sacombank đang trở thành một tổ chức tín dụng có vấn đề cần được cơ cấu một cách toàn diện. Bài toán tái cơ cấu của Sacombank hiện vẫn chưa có lời giải và rất cần bàn tay hỗ trợ từ Nhà nước.

Tại BIDV, gánh nặng MHB làm giảm tốc độ tăng trưởng và năng suất lao động

Tương tự, sau sáp nhập với MHB cuối năm 2015 vốn điều lệ BIDV tăng từ 28.112 lên 31.481 tỷ đồng; tổng tài sản từ 655.000 lên 695.000 tỷ đồng. Mạng lưới giao dịch từ 760 lên gần 1.000 điểm, với gần 24.000 cán bộ nhân viên.

Đây được xem là thương vụ khá thành công nhất khi chỉ diễn ra trong 55 ngày, bởi cả hai ngân hàng đều do nhà nước nắm giữ trên 90% vốn.

Hiệu quả kinh doanh của BIDV có phần sa sút khi lợi nhuận trước thuế 2016 đạt 7.709 tỷ đồng, giảm 2,5%; trong khi giai đoạn 2012 - 2016 tăng bình quân 15,5%/năm.

Tốc độ tăng trưởng giảm trong khi số lượng nhân viên tăng cao, đại diện BIDV lý giải, việc tiếp quản các khoản vay từ MHB là nguyên nhân làm giảm đà tăng trưởng. Đồng thời, quá trình tiếp nhận khoảng 3.760 nhân viên từ MHB trong khi việc mở rộng phát triển hệ thống không phát triển kịp đã làm giảm năng suất lao động một cách đáng kể.

hau sap nhap ngan hang cau chuyen cua thoi gian
Tình hình nợ xấu hậu sáp nhập của BIDV.

Ngoài các thương vụ trên, giai đoạn từ 2013 - 2015 có không ít thương vụ khác như DaiABank - HDBank, MDB - MaritimeBank, Westernbank - PVFC. Trong đó, có không ít thương vụ nhanh chóng “đổ vỡ” dù tiền đề thuận lợi như SaigonBank - Vietcombank hay Nam Á Bank - Eximbank cũng được giới đầu tư tài chính quan tâm nhưng không đi đến hồi kết.

Được và mất của các bên tham gia mua bán, sáp nhập

Thông thường, khi một ngân hàng bị mất khả năng thanh toán, kinh doanh thua lỗ triền miên hoặc có quá nhiều nợ xấu gây ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động thì việc mua bán, sáp nhập được xem xét đến.

Ngân hàng nhận sáp nhập thường là một ngân hàng "khỏe mạnh", tình hình tài chính tốt, hoạt động ổn định để có khả năng phục hồi ngân hàng yếu kém hơn.

Sáp nhập ở đây không chỉ đơn thuần là phép cộng giá trị của hai hay nhiều ngân hàng với nhau. Nếu biết cách tận dụng được các lợi thế thì giá trị sau sáp nhập sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần phép cộng số học.

Cái được lớn nhất tổ chức nhận sáp nhập là cơ hội tăng quy mô, mở rộng thị trường một cách nhanh chóng từ thị phần của ngân hàng bị sáp nhập. Từ đó tạo ra khả năng cung ứng vốn cho những dự án lớn. Đồng thời cắt giảm chi phí những chi nhánh có cùng địa bàn mà vẫn giữ nguyên thị phần trong khu vực đó giúp tối đa hóa lợi nhuận.

Ngân hàng sau sáp nhập kế thừa thế mạnh của hai ngân hàng trước đó tạo nên những sản phẩm hoàn thiện và đa dạng hơn, không những làm tăng sự gắn bó của khách hàng mà còn tăng thu nhập cho ngân hàng. Ngoài ra, việc sáp nhập còn tạo ra đội ngũ nhân sự lớn, từ đó có thể chọn lọc nên dàn nhân sự mới chất lượng hơn.

Tuy nhiên, việc nhận sáp nhập một ngân hàng yếu kém cũng đồng nghĩa với nhận không ít khó khăn và thách thức. Đó là những rủi ro về tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và đáng lo nhất là nợ xấu. Nếu không xử lý một cách hợp lý, thì những gánh nặng này có thể tạo nên một ngân hàng không khỏe mạnh với quy mô lớn hơn.

Ngoài ra, việc xáo trộn bộ máy hoạt động và văn hóa doanh nghiệp cũng gây khó khăn quản lý điều hành. Một số cán bộ chủ chốt rời đi, những người ở lại thì không yên tâm để làm việc.

Lợi ích của cổ đông cũng là một vấn đề gây cản trở. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu giảm khiến tiếng nói cổ đông nhỏ dễ bị bỏ qua. Không ngoại lệ, những cổ đông lớn cũng dễ mâu thuẫn khi ý kiến của mình bị giảm "trọng lượng". Mặt khác, lợi ích nhóm của những cổ đông lớn làm xáo trộn bộ máy điều hành, tranh giành "miếng bánh quyền lực" cũng sẽ gây hoang mang cho cổ đông nhỏ, khách hàng của ngân hàng.

Diệp Bình

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.