Hành trình vướng lao lý của cựu Chủ tịch Vinashin
Gửi tiền Nhà nước, nhận lãi túi riêng
Như tin đã đưa, ngày 26/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin, nay là SBIC) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Điều tra ban đầu xác định, ông Sự đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng tiền của SBIC gửi vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) để một số cá nhân thuộc SBIC nhận, chiếm đoạt hơn 105,5 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất.
Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn lệnh bắt, khám xét với bị can Nguyễn Ngọc Sự. Ngoài ra, CQĐT Bộ Công an đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi kê biên tài sản do phạm tội mà có.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ông Sự đã nhận quyết định nghỉ hưu trong năm 2017. Trước đó, năm 2008, ông Nguyễn Ngọc Sự từng làm người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank kiêm Phó TGĐ phụ trách tài chính của PVN. Năm 2010, ông Sự chuyển sang công tác tại SBIC và bàn giao chức vụ tại PVN cho Nguyễn Xuân Sơn (lúc đó là TGĐ OceanBank).
Ông Sự là lãnh đạo tiếp theo của SBIC bị bắt giữ liên quan vụ án OceanBank. Quá trình điều tra vụ OceanBank, ngày 13/10/2016, công an đã bắt giữ Trần Đức Chính - nguyên Kế toán trưởng SBIC về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn...”.
Ông Nguyễn Ngọc Sự.
SBIC nhận lãi khủng
Theo bản án sơ thẩm vụ OceanBank, khi Nguyễn Xuân Sơn chuyển lại từ OceanBank về làm Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã giới thiệu Nguyễn Minh Thu giữ chức TGĐ OceanBank. Các bị cáo tiếp tục thực hiện việc chi lãi ngoài cho khách hàng, gây thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng.
Cáo trạng vụ OceanBank xác định, Nguyễn Thị Minh Phương – nguyên Phó TGĐ OceanBank được phân công và đã chi trả hơn 263 tỷ đồng cho khách hàng gồm SBIC nhận hơn 105 tỷ đồng; Tổng Cty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP) hơn 76,5 tỷ đồng; Tổng Cty Bảo hiểm Dầu khí (PVIs) gần 20 tỷ đồng; Tổng Cty vận tải Dầu khí gần 8 tỷ đồng… Bị cáo Nguyễn Minh Thu cũng chuyển cho Chi nhánh Thăng Long hơn 2,4 tỷ đồng để trả lãi ngoài huy động vốn cho các khách hàng trong đó có SBIC.
Từ hành vi trả lãi ngoài, Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên 17 năm tù (cộng án về tội tham ô là tử hình); Nguyễn Minh Thu nhận 13 năm tù (cộng 9 năm tù về tội lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản bằng 22 năm tù). Riêng bà Nguyễn Thị Minh Phương được tạm đình chỉ do sức khỏe yếu, phải điều trị bệnh ung thư.
Mở rộng vụ án
CQĐT xác định, từ 2011 – 2014, có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền vào OceanBank và nhận các khoản chi lãi suất ngoài hợp đồng. Các khoản chi này xuất phát từ việc vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OceanBank (án chung thân) cùng đồng phạm. Trong số đó, có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có vốn Nhà nước (chủ yếu là nhóm thuộc PVN và SBIC). Các đơn vị này có dấu hiệu thông đồng với lãnh đạo, nhân viên của OceanBank để nhận lãi ngoài, hưởng lợi bất chính.
CQĐT đã gửi công văn tới 392 tổ chức kinh tế nói trên để yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu liên quan việc gửi tiền, nhận lãi ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 143 tổ chức trả lời trong đó 19 tổ chức thừa nhận có hưởng lãi ngoài từ OceanBank và nộp lại hơn 3 tỷ đồng.
Quá trình xét xử sơ thẩm vụ OceanBank, công an đã khởi tố vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro (VSP), Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và PVEP để điều tra. TAND TP Hà Nội cũng kiến nghị CQĐT tiếp tục làm rõ vi phạm của các cá nhân, tập thể tại các đơn vị đã bị khởi tố và các tổ chức kinh tế khác để xử lý theo quy định.
Năm 2009, Nguyễn Xuân Sơn ký văn bản gửi Chủ tịch PVN thông báo mình vừa được bầu làm thành viên HĐQT của OceanBank và khẳng định ông và Nguyễn Ngọc Sự cùng là người đại diện phần vốn của PVN tại ngân hàng. Văn bản cũng thể hiện, PVN thông qua người đại diện đã tham gia quá trình quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của OceanBank với quyền chi phối, quyết định quan trọng. |