|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng tồn kho Nike, Inditex, GAP, H&M đã về mức thấp, xuất khẩu dệt may kỳ vọng có thêm đơn hàng năm 2024

07:58 | 13/11/2023
Chia sẻ
10 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, bất ổn chính trị gia tăng. Tuy nhiên ngành này đang trên đà hồi phục, mức giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần qua các tháng.

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định xuất khẩu dệt may trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ từng bước cải thiện nhờ một số động lực từ tăng trưởng kinh tế ở các thị trường trọng điểm, hàng tồn kho giảm.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của các thị trường trọng điểm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng: Mỹ khoảng 1,1%; EU với 0,4%; Nhật Bản khoảng 0,8% và Trung Quốc với 5,6%.

Những tín hiệu này cho thấy sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu của người tiêu dùng. Nỗi lo về suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ giảm, hỗ trợ việc chi tiêu cho các sản phẩm dệt may.

Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm vẫn ổn định trong 10 tháng năm 2023.

Tồn kho của một số khách hàng lớn ngành dệt may Việt Nam. (Nguồn: Mirae Asset)

Ngoài ra, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma vào cuối quý III duy trì ở mức thấp, trong khi doanh số bán hàng có dấu hiệu tăng trong bối cảnh các kỳ nghỉ lễ sắp tới.

“Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng có thể giúp số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong năm 2024”, Mirae Asset dự báo.

Tuy vậy, môi trường kinh doanh năm 2024 vẫn đối mặt với những thách thức, chủ yếu đến từ những bất ổn vĩ mô. Mirae Asset cho rằng trong ngắn hạn, địa chính trị và lãi suất ở mức cao là những rủi ro chính đối với nhu cầu dệt may năm 2024.

Còn về dài hạn, việc dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải chịu áp lực từ chi phí lao động đi lên. Ngoài ra, hiện nay người lao động Việt dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, gây áp lực cạnh tranh về chi phí nhân công trong nước.

 

Trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, bất ổn chính trị gia tăng. Tuy nhiên ngành này vẫn đang trên đà hồi phục, mức giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần qua các tháng.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu dệt may trong tháng 10 đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng nhẹ so với tháng 9 và đi ngang so với tháng 10/2022.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt 31,3 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2022. Mirae Asset thông tin thị phần hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản có xu hướng cải thiện hơn.

Hoàng Anh