|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng rau quả Việt Nam vẫn kém cạnh tranh tại Mỹ, EU

16:48 | 30/10/2017
Chia sẻ
Sức tiêu thụ mặt hàng rau quả tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều rất lớn nhưng mặt hàng rau quả của Việt Nam tại cả hai thị trường này đều chiếm thị phần không đáng kể, do mất lợi thế về vị trí địa lý và gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật.
hang rau qua viet nam van kem canh tranh tai my eu
Ảnh minh họa

Thị phần hàng rau quả Việt Nam tại EU vẫn rất nhỏ

Mặc dù đã thâm nhập được thị trường EU, nhưng thị phần trái cây Việt Nam còn thấp do kém cạnh tranh với các đối thủ khác có vị trí địa lý gần hơn như Brazil, Peru, Ecuador, Panama và các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia về giá, chất lượng và thời gian giao hàng.

Bên cạnh đó, EU luôn đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm cũng là một rào cản đối với hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

EU thường xuyên rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra đối với rau quả của Việt Nam do phát hiện nhiều lô hàng không phù hợp với quy định của EU, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu vào thị trường này. Hiện nay, tần suất kiểm tra thanh long Việt Nam tăng lên 20% và các loại rau gia vị cũng tăng lên 50%.

Chính vì vậy, việc sản xuất và kinh doanh rau quả tươi xuất sang thị trường EU cần phải tuân thủ các yêu cầu của luật pháp cũng như những yêu cầu khác của người mua. Trong số các yêu cầu chính, nhà xuất khẩu sẽ phải áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng cụ thể trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm. Đồng thời, nhà sản xuất cũng phải chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có thể theo dõi sản phẩm trong trường hợp phát sinh về an toàn và khắc phục chúng.

Cho đến nay, thị phần hàng rau quả của Việt Nam tại thị trường này chỉ đạt khoảng 0,4%.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ rau các loại của EU đạt khoảng 115 – 130 triệu tấn/năm, và nhu cầu tiêu thụ trái cây vào khoảng 70 – 80 triệu tấn/năm và đang có xu hướng tăng.

Ngoài nguồn cung nội địa, EU cũng đang nhập khẩu các loại trái cây nhiệt đới, như thanh long, xoài, vải, chuối, chanh leo, bơ, măng cụt, dứa, dừa,… tiêu thụ chủ yếu tại khu vực cộng đồng người châu Á sinh sống.

Hàng rau quả Việt Nam vẫn kém cạnh tranh tại thị trường Mỹ

Tương tự như ở EU, trái cây tươi Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho đến nay cũng không đáng kể, chiếm thị phần nhỏ khoảng 3%, đứng sau Mexico với thị phần 88%. Nhìn chung, trái cây tươi Việt Nam hiện kém cạnh tranh so với các nước có vị trí địa lý gần với Mỹ do các chi phí vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch, xử lý chiếu xạ.. của Việt Nam cao.

Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả vào thị trường Mỹ vẫn có tiềm năng khi cho đến nay nước này đã cho phép nhập khẩu 5 loại trái cây của Việt Nam. Mới đây, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật (APHIS, Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã chính thức đồng ý cho Việt Nam được xuất khẩu quả vú sữa, loại quả thứ 5 của Việt Nam cùng với quả vải, nhãn, chôm chôm và thanh long vào thị trường Mỹ.

Như vậy, sau gần 10 năm phía Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu loại quả này, đến nay Mỹ đã xem xét thông qua về điều kiện kiểm dịch thực vật với quả vú sữa. Theo đó, phải có vùng trồng được cấp mã số, chiếu xạ... Ngoài ra, phía Mỹ cũng yêu cầu kiểm soát đối tượng dịch hại bắt buộc đối với 8 loại sâu hại, chủ yếu là các loại ruồi đục quả và rệp.

Hơn nữa, hai cơn bão Harvey và Irma vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành rau quả nước Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nguồn cung trái cam, bưởi của nước này sẽ bị thiếu hụt khoảng 10% đối với mặt hàng cam, từ 20% đến 30% đối với mặt hàng bưởi. Ước tính sản lượng cho vụ mùa 2016 – 2017 là 68,5 triệu thùng cam và 7,8 triệu thùng bưởi. Hiện bang Florida là nguồn cung cấp chính về rau quả và trái cây cho cả nước Mỹ, ngoài việc nguồn cung bị ảnh hưởng do yếu tố thời tiết, nguồn nhân công của ngành nông nghiệp ở Florida cũng đang bị thiếu.

Trung bình hàng năm, Mỹ tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây tươi, chủ yếu là cam, nho, táo, chuối, dứa. Trong đó, Mỹ có khả năng sản xuất 70% và phải nhập khẩu 30% tổng lượng tiêu thụ.

Tiềm năng xuất khẩu của mặt hàng rau quả

Trong dài hạn, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam còn rất lớn khi thị phần của Việt Nam còn thấp, Bộ Công Thương nhận định.

Theo thống kê của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ sẽ tăng tại các nước phát triển.

Vì vậy, có thể kỳ vọng hàng rau quả sẽ là một trong những nhóm hàng chủ lực để tạo bước đột phá trong xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản nói riêng và trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung.

Oanh Oanh