Hàng điện tử, pin xe điện, chất bán dẫn: Việt Nam, Indonesia, Malaysia mỗi nước mỗi ngả đường trong hút FDI
"Trong khi triển vọng thương mại toàn cầu ảm đạm thì vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn đang đổ vào ASEAN", báo cáo HSBC công bố mới đây đánh giá.
Tổ chức này cho biết tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực đã tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tăng tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây khi nhiều công ty đa quốc gia tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có lợi thế về chi phí. Năm 2022, ASEAN thu hút mức cao kỷ lục gần 17% vốn FDI toàn cầu, gần gấp đôi so với 4 năm trước.
Theo HSBC, hơn 65% vốn FDI của khu vực đã đổ vào Singapore, một phần là do vị thế chiến lược của Singapore là một trung tâm tài chính quan trọng. Những nước hút FDI lớn tiếp theo trong khu vực là Indonesia, Việt Nam và Malaysia.
Hai chuỗi cung ứng được hưởng lợi nhiều nhất là ngành công nghệ và xe điện (EV). Trong khi Malaysia, Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất công nghệ, Indonesia lại tập trung vào chuỗi cung ứng xe điện.
Indonesia, Việt Nam cùng có nhiều thay đổi về chính sách hút FDI
Theo đánh giá của HSBC, trong khu vực, Indonesia và Việt Nam đã có những thay đổi lớn nhất về môi trường chính sách thu hút FDI, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, nới lỏng các hạn chế đầu tư, quản lý tài khóa tốt hơn.
Ở Indonesia, chỉ có 6 lĩnh vực không cho phép đầu tư nước ngoài và trong nước, trong khi các lĩnh vực ưu tiên có thể hưởng những ưu đãi tài khóa. Ngoài ra, Indonesia cũng khởi động chương trình an sinh xã hội mới JKP. Theo đó, những công nhân bị mất việc làm sẽ được chi trả 45% lương trong 1 - 3 tháng, chi trả 25% lương trong 4 - 6 tháng.
Trong khi đó ở Việt Nam, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021, hướng đến ban hành nhiều ưu đãi hơn và thu hút nhiều vốn FDI hơn.
Vê chi tiêu cho cơ sở hạ tầng năm 2023, Indonesia có kế hoạch đầu tư 25,15 tỷ USD đến 28,57 tỷ USD, trong khi đó tổng vốn đầu tư công năm nay của Việt Nam khoảng 30 tỷ USD.
9 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Indonesia đạt gần 37 tỷ USD, trong khi hút vốn ngoại của Việt Nam đạt 20,2 tỷ USD.
Nói riêng về Indonesia - quốc gia rất giàu đồng, niken, coban và bauxite - những nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin xe điện những năm gần đây đặt nhiều tham vọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Hồi tháng 8, giới chức Indonesia thông báo sau nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu, Tesla sẽ đầu tư vào vật liệu sản xuất pin xe điện tại đất nước.
Trong bài viết mới đây, CNBC nhận định việc đưa được Tesla sang mở nhà máy, cùng với lợi thế nguồn tài nguyên phong phú, Indonesia tham vọng trở thành trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng cho xe điện.
CNBC cũng dẫn lời chuyên gia phân tích của BMI Research thuộc Fitch Solutions, cho rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cần thiết cho sản xuất xe điện đang củng cố sức hấp dẫn của Indonesia trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Thực tế thu hút FDI của Indonesia đều tăng trưởng đều đặn trong nhiều năm qua. Năm ngoái, lượng vốn FDI vào nước này cao kỷ lục, lên đến 45,6 tỷ USD - tăng 44,2% so với năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới vào năm ngoái.
Các ngành công nghiệp kim loại, máy móc và thiết bị nhận được phần vốn FDI lớn nhất, lên tới 10,96 tỷ USD. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với 5,1 tỷ USD. Tỉnh Trung Sulawesi - nơi có ngành công nghiệp chế biến nicken lớn đứng đầu về thu hút vốn FDI với 7,5 tỷ USD.
Quay trở lại lĩnh vực sản xuất pin xe điện, báo cáo của ASEAN Briefing cho biết một số dự án nổi bật gần đây phải kể đến như Mitsubishi Motors đầu tư thêm 375 triệu USD để mở rộng sản xuất vào tháng 12. Neta, công ty con của Hozon New Energy Automobile của Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch sản xuất xe điện tại Indonesia vào năm sau.
Trong khi đó, hai thương hiệu khác là Wuling Motors và Hyundai đã chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Indonesia để được hưởng một số ưu đãi.
Năm 2022, Bộ Đầu tư Indonesia đã ký Biên bản ghi nhớ với Foxconn, Gogoro Inc, IBC và Indika Energy, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện và các ngành liên quan.
Trước đó năm 2021, LG Energy và Hyundai Motor Group bắt tay phát triển nhà máy pin đầu tiên tại Indonesia với giá trị đầu tư 1,1 tỷ USD.
Nhờ FDI, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hàng điện tử toàn cầu
Trong báo cáo mới đây, HSBC nhắc đến Việt Nam như một ví dụ nổi bật về nền kinh tế được thúc đẩy bởi FDI. Nhìn lại quá khứ, nếu như giai đoạn đầu, vốn FDI đổ nhiều vào dệt may, giày dép thì hai thập niên gần đây, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử.
Xuất khẩu hàng điện tử đã đạt mức cao kỷ lục 100 tỷ USD trong năm 2021, chiếm hơn 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam; vào 20 năm trước, tỷ trọng này chỉ chiếm 5%.
Sự thành công trong lĩnh vực công nghệ phần nhiều là nhờ vào nguồn FDI nhiều năm của Samsung tại Việt Nam kể từ cuối những năm 2000. Với tổng đầu tư khoảng 18 tỷ USD trong những năm qua, Samsung hiện nay sở hữu tám nhà máy và một trung tâm R&D tại Việt Nam, bao gồm hai nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, cung cấp phân nửa sản lượng điện thoại thông minh và máy tính bảng của hãng.
Sự thành công của Samsung đã thúc đẩy những người khổng lồ công nghệ khác, như Google và LG, chuyển chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam.
Quay lại hiện tại, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đón nhận nhiều kế hoạch, dự định đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. 10 tháng đầu năm FDI đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Biden, cùng với việc Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện kỳ vọng sẽ kích thích làn sóng FDI vào Việt Nam những năm tới.
Malaysia tăng sức cạnh tranh trong sản xuất chất bán dẫn
Cũng được hưởng lợi chính như Việt Nam kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, Malaysia thu hút được dòng vốn FDI đáng kể những năm gần đây.
Trong bài đăng hôm 29/9, Nikkei Asia cho hay dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Malaysia đã đạt mức kỷ lục trong vài năm qua, phần lớn nhờ vào các tập đoàn công nghệ và chip toàn cầu.
Quốc gia này đã phê duyệt 71,4 tỷ ringgit (15,25 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2023, cao hơn gấp đôi so với con số 32,4 tỷ ringgit được ghi nhận trong cả năm 2019, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng chip do đại dịch COVID-19.
Malaysia hiện là trung tâm chính cho các bước cuối cùng của quy trình sản xuất chip. Theo chính phủ, họ kiểm soát 13% thị trường toàn cầu về dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm và là nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6. Intel, NXP, Infineon, Texas Instruments và Renesas đều đã hiện diện ở nước này từ những năm 1970.
Nikkei đánh giá Malaysia sớm trở thành quốc gia dẫn đầu về sản xuất chip ở châu Á nhờ thu hút nhiều nhà sản xuất chip nước ngoài vào những năm 1970. Thậm chí còn được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của phương Đông”, nhưng đã mất vị thế vào tay Hàn Quốc và Đài Loan nhờ sự trỗi dậy của Samsung Electronics và công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan vào những năm 1990.
Hiện Malaysia đang hy vọng có thể phục hồi trở lại khi ngành này buộc phải đẩy mạnh đa dạng hóa sản xuất trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung bùng phát.
Hồi tháng 8, ông lớn ngành sản xuất bán dẫn Infineon Technologies AG của Đức dự kiến đầu tư 5 tỷ euro (5,47 tỷ USD) trong 5 năm để xây dựng nhà máy sản xuất tấm silic carbide (SiC) lớn nhất thế giới ở Malaysia.
Intel có trụ sở tại Mỹ cũng đang mở rộng sang Malaysia với kế hoạch đầu tư 7 tỷ USD để biến quốc gia này thành cơ sở sản xuất chính của tập đoàn ở châu Á.
Theo báo cáo của HSBC, ngành công nghiệp bán dẫn là trung tâm của thế mạnh sản xuất của Malaysia.Những năm gần đây, nước này giành được thị phần đáng kể ở một số chất bán dẫn nhờ dòng vốn công nghệ ổn định, chủ yếu từ Mỹ và Châu Âu.
Điều này được phản ánh rõ ràng nhất tại một số phần của phân ngành mạch tích hợp (IC), với thị phần tăng đột biến đạt gần 45% chỉ sau một năm. Chip xử lý và chip khuếch đại mỗi loại cũng chiếm 10% thị phần thế giới
Nhưng Malaysia không chỉ có lĩnh vực điện tử. Các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến lĩnh vực năng lượng truyền thống (ví dụ như dầu khí) mà còn ngày càng quan tâm đến năng lượng tái tạo do tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng. Risen Energy, công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc, đã công bố khoản đầu tư cơ sở đầu tiên vào ASEAN vào cuối năm 2021, với kế hoạch rót hơn 10 tỷ USD trong 15 năm để sản xuất các mô-đun quang điện hiệu suất cao.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/