Hàn Quốc xem xét gia nhập CPTPP trong năm nay
Việt Nam - Nhật Bản cần đi đầu thúc đẩy CPTPP | |
CPTPP: Hy vọng của châu Á khi Mỹ quay lưng và Trung Quốc xây 'tường' | |
CPTPP không chỉ là thương mại |
Hàn Quốc xem xét gia nhập CPTPP trong năm nay. Ảnh: EPA |
Ngày 8/3, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo nước này sẽ quyết định có gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm nay hay không, sau khi xem xét tác động của hiệp định này đối với nền kinh tế quốc gia và tham vấn các nước thành viên.
Thông báo nêu rõ: “Hàn Quốc đã ký kết các thỏa thuận thương mại song phương với 9 trong số 11 quốc gia thành viên của CPTPP, ngoại trừ Nhật Bản và Mexico. Kể cả khi CPTPP có hiệu lực, tác động tiêu cực của hiệp định này đối với nền kinh tế Hàn Quốc sẽ là rất hạn chế”.
Hiện Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán sơ bộ để tham gia với tư cách là thành viên liên kết trong khối thương mại Liên minh Thái Bình Dương gồm cả Mexico, Chile, Peru và Colombia.
Hàn Quốc cũng đã ký Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) với Chile, Peru và Colombia, song chưa ký FTA với Mexico, nền kinh tế lớn nhất trong liên minh này.
Hơn nữa, Seoul sẽ tiến hành đàm phán nhằm xúc tiến một hiệp định thương mại với MERCOSUR, khối thương mại dẫn đầu tại Nam Mỹ gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay, trong nửa đầu năm nay.
Một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến ngày 8/3 (rạng sáng 9/3 giờ Việt Nam), 11 nước thành viên còn lại sẽ ký kết CPTPP tại Chile.
Đây được đánh giá là một thắng lợi mang tính biểu tượng của các nỗ lực thúc đẩy thương mại đa phương và xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ.
Cùng ngày, phát biểu vài giờ trước khi 11 nước, trong đó có Nhật Bản và Singapore dự kiến ký CPTPP tại Chile, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định chủ nghĩa bảo hộ không phải là giải pháp đối với tăng trưởng toàn diện, đồng thời nhấn mạnh mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ “không chỉ với người tiêu dùng mà còn với nhà sản xuất và những việc được cho là được bảo hộ”.
Phát biểu tại hội nghị bộ trưởng với chủ đề “ASEAN toàn diện”, lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ chương trình khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), do Nhật Bản và Indonesia đồng chủ trì, Ngoại trưởng Kono nói: “Chúng tôi hy vọng TPP-11 (hay CPTPP) sẽ là nền tảng quan trọng cho các nỗ lực chung của chúng ta nhằm mở rộng trật tự kinh tế tự do, công bằng và theo luật định trên thế giới”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh: “Các biện pháp bảo hộ khiến các nhà sản xuất không thể tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ nhất và chất lượng tốt nhất. Hậu quả là các nhà sản xuất mất đi năng lực cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường toàn cầu, khiến họ khó có thể duy trì việc làm tại quê nhà”.
CPTPP là hiệp định chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người.
Ngoài ra, với tiêu chuẩn cao và đặt ra những quy định cho các vấn đề phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước... CPTPP sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực và trên thế giới.