|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàn Quốc muốn đẩy mạnh phát triển thị trường logistics Việt Nam

06:30 | 31/08/2016
Chia sẻ
 Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tham gia, hợp tác với doanh nghiệp trong nước để phát triển thị trường logistics Việt Nam, trong bối cảnh hoạt động giao thương giữa hai nước ngày gia tăng và đầu tư của nước này vào Việt Nam tăng cao.

Đây là nội dung được ghi nhận tại hội thảo “Phương án tiếp cận thị trường logistic trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tư do Việt Nam - Hàn Quốc - VKFTA” diễn ra tại TPHCM hôm nay, 30-8. Hội thảo có sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp trong lĩnh vực giao nhận kho vận, chủ tàu, cung cấp dịch vụ liên quan đến xuất, nhập khẩu,..

han quoc muon day manh phat trien thi truong logistics viet nam
Các diễn giả, doanh nghiệp Hàn Quốc thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Quốc Hùng.

Theo ông Park Noh Wan, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM, đây là lần đầu tiên hội thảo mang tính chuyên ngành giao nhận-kho vận giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc được tổ chức, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước, giúp gắn kết phát triển kinh tế giữa hai nước đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực vận tải, giao nhận kho vận. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm giúp doanh nghiệp Hàn Quốc tìm ra mô hình hợp tác hiệu quả trong thời gian tới.

Theo các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam không chỉ có vị trí chiến lược của khu vực Đông Nam Á mà còn được xem là sự lựa chọn của nhiều nhà sản xuất quốc tế hiện nay nên rất cần phát triển dịch vụ logistics để đáp ứng việc vận chuyển hàng hóa và lưu giữ hàng hóa. Trong khi, chi phí logistics ở Việt Nam khá cao đã làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tháng 5-2015, VKFTA được ký kết, đánh dấu mốc quan trọng cho mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Hội thảo nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc và ngược lại; cũng như hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này tiếp cận thị trường logistic Việt Nam; xây dựng chuỗi cung ứng hàng đông lạnh, dịch vụ cảng biển…

Đồng quan điểm này, ông Chinsoo Lim, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu hàng hải của Hàn Quốc (KMI), cho rằng đối với lĩnh vực vận tải, giao nhận kho vận, TPHCM là điểm đầu của chương trình xúc tiến ở Việt Nam, sau đó sẽ mở ra các thành phố tại khu vực Đông Nam Á. "Hy vọng diễn đàn này sẽ đặt nền tảng bước đầu để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp Việt Nam", ông Lim nói.Ông Lee Sung Woo thuộc Phòng nghiên cứu Logistics quốc tế (International Logistics Research Department) cho rằng, từ năm 2016, Hàn Quốc đã đẩy mạnh phát triển logistics ở khu vực Đông Nam Á, trong đó TPHCM được xem là nơi thuận tiện để phát triển dịch vụ này của Việt Nam.

Hiện nay, tại khu vực phía Nam có 200-250 doanh nghiệp giao nhận kho vận, trong khi ở phía Bắc, tập trung tại Hà Nội khoảng 100-200 doanh nghiệp. Nhiều hãng tàu Hàn Quốc đã tham gia thị trường Việt Nam như Hanjin, Hyundai, KMTC, Heung A, Chang Geum, Namsung, Dongjin, Bumju, Asan…. Bên cạnh đó, các công ty cung ứng các dịch vụ logistics và các dịch vụ liên quan như CJ GLS, KCTC, Dongbang Logistic Vina, Dongbu, Express, Hanjin, Chunil Package and Freight… cũng đã có mặt.

Đến nay Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc. Trong hơn hai thập kỷ qua, quan hệ thương mại song phương đã tăng mạnh, thương mại hai chiều từ 500 triệu đô la Mỹ vào năm 1992 đã tăng lên 34,4 tỉ đô la Mỹ năm 2015. Hai nước kỳ vọng đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Tính đến tháng 4-2016, tổng số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã đạt trên 48 tỉ đô la Mỹ với 5.213 dự án đầu tư.

Theo Hùng Lê

Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.