|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai khó khăn lớn nhất của PVS trong thời điểm này

07:23 | 04/04/2017
Chia sẻ
Hai khó khăn được đề cập là triển vọng giá dầu và trích lập dự phòng các khoản phải thu, bên cạnh là tiến độ triển khai các dự án khi Tập đoàn PVN hay Chính Phủ đang gặp khó khăn về vốn đầu tư.
Ảnh minh họa.

Bộ phận Research Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa ra báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh đối với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS).

Theo VDSC, năm 2017, PVS sẽ phải tìm kiếm tia sáng trong các dự án năng lượng trên bờ. Với các dự án lớn bắt đầu bước vào thời điểm xây lắp cơ khí trong năm điển hình là Long Sơn và Long Phú 1, RongViet Research dự phóng mức đóng góp chỉ dừng lại khoảng 600 tỷ đồng/dự án và thời điểm triển khai sẽ rơi vào nửa đầu năm 2017.

Các dự án chính cho năm 2017 là NH3/NPK, GPP Cà Mau và Sư Tử Trắng. Biên lợi nhuận được đánh giá cũng sẽ có sự cải thiện khi giá dầu đã duy trì trên 50 USD/thùng trong thời gian dài, kéo theo sự cải thiện của đơn giá các hợp đồng lớn.

Về các hoạt động khác, hoạt động dịch vụ cảng sẽ bắt đầu hồi phục trong năm nay mặc dù tốc độ còn chậm. Cảng tổng hợp sẽ hồi phục mạnh hơn, chiếm 75% doanh thu phân khúc này. Mảng FSO/FPSO duy trì ổn định với doanh thu đều đặn 3.000 tỷ đồng/năm do giá thuê được cố định theo hợp đồng. Mảng thăm dò sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ. Tuy nhiên, RongViet Research đánh giá mức thiệt hại sẽ không còn nghiêm trọng như trong năm qua với mức lỗ dự phóng là âm 151 tỷ đồng.

Năm 2017, PVS đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt là 13.000 tỷ đồng (giảm 30% năm trước) và 410 tỷ đồng (giảm 67% năm trước) dựa trên kịch bản cơ sở giá dầu trung bình 50USD/thùng.

Rủi ro lớn nhất đối với PVS trong thời điểm hiện tại đến từ (1) sự hồi phục của giá dầu không bền vững như kì vọng và (2) trích lập dự phòng các khoản phải thu, đặc biệt đến từ Cửu Long JOC (phải thu tăng khoảng 600 tỷ trong năm 2016) hay 800 tỷ đồng phải thu từ Lam Sơn và Biển Đông POC.

Tuy nhiên RongViet Research cũng nhấn mạnh với triển vọng giá dầu có sự cải thiện trong dài hạn, những dự án trên bờ đang được PVS thực hiện trong thời điểm khó khăn của toàn ngành sẽ dần dần thay thế bởi các dự án ngoài biển, thuộc đúng năng lực thi công của PVS.

Rủi ro lớn nhất được lưu ý trong thời điểm hiện tại vẫn là tiến độ triển khai khi Tập đoàn PVN hay Chính Phủ đang gặp khó khăn về vốn đầu tư. Tuy nhiên, với việc huy động và thu xếp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình đối với 2 dự án là Long Sơn và Long Phú 1, rủi ro trên phần nào được giảm nhẹ trong thời gian tới.

Doanh thu và LNST cty mẹ của PVS được dự phóng đạt 18.534 tỷ đồng (giảm 0,8%) và 856 tỷ đồng (giảm 17,6% năm trước), EPS 2017 dự phóng khoảng 1.900 đồng, tương ứng P/E forward là 9,3x. RongViet Research nhận định KQKD năm 2017 có thể sẽ chưa cải thiện nhưng sẽ là thời điểm quay đầu cho đà hồi phục trong dài hạn.

Năm 2016, doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của PVS ghi nhận lần lượt 18.682 tỷ đồng (giảm 20%) và 1,04 tỷ đồng (giảm 32%). Sự sụt giảm mạnh đến từ đơn giá các hợp đồng xây lắp đã điều chỉnh hạ trong thời gian qua kéo biên lợi nhuận chung 2016 giảm từ mức 9,3% trong năm 2015 xuống còn 4,2%. Đặc biệt, trong Q4/2016, mảng cơ khí dầu khí phải ghi nhận lỗ với biên gộp là -3%.

Ngoài ra, các mảng hoạt động khác của PVS đều chung tình cảnh ảm đạm về nhu cầu, đặc biệt phải kể đến Tàu dịch vụ (giảm 53%) và Cảng biển (giảm 33%). Mảng Tàu khảo sát tiếp tục ghi nhận lỗ lớn với âm 249 tỷ đồng do không có nhiều hợp đồng thuê cũng như chi phí khấu hao và bảo trì cao.

Khổng Minh