|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai đại gia, một câu chuyện lao đao vì trả nợ

16:27 | 08/11/2017
Chia sẻ
Hai đại gia, “kể” cùng một câu chuyện. Sử dụng "con dao hai lưỡi" đòn bẩy tài chính để tạo sức bật và bành trướng kinh doanh, một khi chiến lược kinh doanh thiếu bền vững và không đạt hiệu quả, trong khi gánh nặng lãi vay chồng chất qua từng ngày. Doanh nghiệp buộc phải dùng đến giải pháp bán tài sản để trả nợ.
hai dai gia mot cau chuyen lao dao vi tra no

"Vua cá tra" Dương Ngọc Minh và CTCP Hùng Vương

“Vua cá tra” xưng ngôi.

10 năm trước, câu chuyện kinh doanh bắt đầu khi Hùng Vương (Mã: HVG) là một doanh nghiệp cỡ trung ngành thuỷ sản với vốn điều lệ 32 tỷ đồng. 5 năm với hơn 10 cuộc chinh phạt và thâu tóm, Hùng Vương được nhắc đến như một hiện tượng xuất phát từ các thương vụ M&A đình đám. Sở hữu 12 công ty con và chục công ty liên kết, con số tại thời điểm hưng thịnh nhất, Hùng Vương xưng ngôi “vua cá tra”.

Với chuỗi sản xuất kinh doanh từ con giống, nuôi trồng, sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản, chế biến phụ phẩm... và thị trường xuất khẩu lên tới 60 quốc gia, Hùng Vương luôn duy trì mức lợi nhuận trên 200 tỷ đồng hàng năm từ trước 2015.

Với tham vọng chiếm 25-30% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, "vua cá tra" Ngọc Minh đầu tư rất mạnh vào các vùng nuôi cá nhằm tự cung cấp nguyên liệu dá cá trơn cho các nhà máy chế biến thuỷ sản. Với hơn chục công ty con và liên kết, HVG có trong tay hàng chục nhà máy chế biến thuỷ sản, chế biến thức ăn và các ao nuôi trồng thuỷ sản…

Thậm chí, Hùng Vương còn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và mở rộng các kênh phân phối sang nước ngoài, nổi bật với kế hoạch mua lại 50% hệ thống phân phối của Russian Fish – một công ty phân phối cá đứng đầu thị trường Nga.

“Vua cá tra” đánh mất ngôi vị.

Với những tham vọng, Hùng Vương liên tục tăng quy mô kinh doanh và vốn. Kéo theo đó, tổng nợ vay ngắn và dài hạn tăng và dẫn đến những tín hiệu đáng cảnh báo.

Giai đoạn 2012-2015, tổng nợ vay của Hùng Vương tăng mạnh từ gần 2.960 lê 8.355 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản, điều này đã tạo áp lực đáng kể lên lãi vay.

hai dai gia mot cau chuyen lao dao vi tra no
Số liệu 9 tháng 2017 là số chưa kiểm toán. (Biểu đồ: Quỳnh Trang tổng hợp).

Không những thế, các khoản phải thu khá lớn gia tăng từ 2.740 tỷ năm 2013 lên 7.429 tỷ đồng năm 2016, khiến trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên đến 408 tỷ đồng trong năm 2016.

Niên độ tài chính năm 2016, doanh thu của HVG bất ngờ “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng sau kiểm toán, công ty mẹ báo cáo khoản lỗ ròng lên đến 49 tỷ đồng. Tiếp đó cuối 2016, cổ phiếu của Hùng Vương bị đưa vào danh sách “đen” do vi phạm quy định công bố thông tin.

Gánh khoản nợ 13.000 tỷ đồng và khoản lỗ 49 tỷ đồng, vị “vua cá tra” này đã phải bán bớt tài sản để vượt sóng lớn tiếp tục kinh doanh.

Hùng Vương tiến hành rao bán các bất động sản thuộc Công ty Cổ phần Địa ốc An Lạc gồm các khu đất trên địa bàn TP HCM rộng 1.488 m2 tại số 94 Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6; 1.123 m2 diện tích sử dụng đất tại 96 Phạm Đình Hổ; 5.643 m2 đất tại 765 Hồng Bàng, phường 6, quận 6 và khu đất theo tờ bản đồ số 7, thửa 23-24-25-30 tại xã Long Thới, huyện Nhà bè, diện tích gần 12.000 m2.

Các bất động sản trên đều nằm ở những vị trí đắc địa và là đất sạch sẵn sàng để phát triển dự án.

Mới đây nhất vào ngày 1/11, Hùng Vương đã rút toàn bộ vốn góp tại Công ty Cổ phần Thực Phẩm Sao Ta (Fimex – Mã: FMC). Trước đó, công ty nắm giữ gần 21,2 triệu cổ phiếu, tương đương 54% vốn cổ phần tại FMC. Giá trị vốn hóa của Sao Ta vào khoảng 575 tỷ đồng. Sao Ta là quân át chủ bài mà Hùng Vương từng muốn tung ra khi tham gia ngành tôm xuất khẩu. Mặc dù ngập ngừng với việc bán chác này, nhưng cuối cùng Hùng Vương vẫn phải ra quyết định nhằm cứu vãn khoản thua lỗ lớn đang phải gánh chịu.

Được biệt, Hùng Vương thu về khoản lãi trước thuế 440 tỷ đồng từ thương vụ bán Sao Ta và thanh lý thành công lô đất tại 765 Hồng Bàng, quận 6 TP HCM thuộc Địa ốc An Lạc, trong đó riêng khu đất là 375 tỷ.

Dự kiến, thời gian tới Hùng Vương tiếp tục bán thêm lô đất thứ 2 tại địa chỉ 94-96 Phạm Đình Hổ, quận 6. Theo giá thị trường hiện nay, khi giao dịch thành công, công ty có thể thu về trên 60 tỷ đồng.

Bầu Đức và CTCP Hoàng Anh Gia Lai

Bán lần lượt thuỷ điện, bất động sản, mía đường, cổ phiếu...

HAGL (Mã: HAG) lên sàn vào năm 2008, khi cơn sốt của thị trường bất động sản vẫn chưa hạ nhiệt. HAGL nổi lên với hình ảnh một doanh nghiệp bất động sản lớn, sở hữu quỹ đất sạch với mức chi phí thấp. Tại thời điểm ấy, trên danh sách những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán, bầu Đức là cái tên được xếp ở vị trí đầu bảng.

Năm 2009, bất động sản- điện - khai khoáng được yêu chuộng, HAGL khẳng định mình là tập đoàn kinh tế đa ngành với các ngành mũi nhọn là cao su, thuỷ điện, khoáng sản, bất động sản.

Từ 2011, thị trường địa ốc tê liệt, chính sách và thuế suất của ngành khai khoáng thay đổi, HAGL chỉ đưa ra khẳng định chung chung tạo sự phát triển bền vững, các ngành dựa vào tài nguyên giữ vai trò chủ lực.

Năm 2013, HAGL khánh thành nhà máy sản xuất đường và chế biến mủ cao su tại Attapeu, bán các dự án thuỷ điện và rút chân ra khỏi thị trường bất động sản Việt Nam. Bầu Đức tuyên bố: “Thị trường bất động sản Việt Nam đã hết cơ hội và HAGL trở thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Năm 2014, HAGL mở rộng kinh doanh bò thịt, lúc này cổ đông lâu năm bắt đầu nhấp nhổm vì những cú ngoặt của công ty, vị Chủ tịch khích lệ theo phong cách riêng: “HAGL nuôi bò thì thế giới không đâu bằng, phân bò mỗi ngày cũng thu về một tỷ đồng!

hai dai gia mot cau chuyen lao dao vi tra no
HAGL đã từng đặt mục tiêu là tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư tổ chức không theo kịp thay đổi của Chủ tịch Đức. Sau khi lên sàn, HAGL chạy theo, nắm bắt các cơ hội từ thị trường nhiều hơn là phát triển theo chiến lược đường dài có hoạch định bài bản.

Sau hàng loạt mục tiêu và tuyên bố về tham vọng của minh, HAGL hoạt động với dòng tiền âm, lao đao với áp lực trả nợ lớn. Câu chuyện với kịch bản bán tài sản và đi trả nợ.

Năm 2016, mảng thủy điện của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận thương vụ có giá trị trên 2.600 tỷ đồng. Tập đoàn cho biết đã bán Công ty Thủy điện Nậm Kông 2 tại Lào cho đối tác Chaleun Sekong Group và nhận trước khoản tiền 1.937 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2016, Dự án Trung tâm thương mại tại đường 2/9 Đà Nẵng bên bờ sông Hàn với mặt tiền sông trải dài 900 m, đã được bán lại cho Quốc Cường Gia Lai với giá trị khoảng 419 tỷ đồng.

Tháng 5/2017, Bầu Đức bán công ty mía đường cho “đại gia” Đặng Văn Thành giá 1.330 tỷ đồng. Theo đó, BHS và TTC Tây Ninh chi ra 1.330 tỷ đồng để mua lại 815 tỷ vốn góp, tức 100% vốn điều lệ của HAGL Sugar. Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai bị "khai tử" và được thay thế bằng Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu.

Với các khoản nợ xấu tại ngân hàng, câu chuyện bán tài sản của bầu Đức vẫn chưa dừng lại ở đó. Thủyđiện, bất động sản, mía đường… và mới đây nhất, là cổ phiếu. Ông Đức đã đăng ký bán 23 triệu cổ phiếu HAGL trong thời gian từ 27/10 đến 25/11/2017. Dự kiến sau giao dịch này, số cổ phiếu ông Đức nắm giữ sẽ giảm từ 347 triệu (37,5%) xuống còn 324 triệu cổ phiếu (35%).

hai dai gia mot cau chuyen lao dao vi tra no
Số liệu 9 tháng 2017 là số chưa kiểm toán. (Biểu đồ: Quỳnh Trang tổng hợp).

Hai đại gia, “kể” cùng một câu chuyện. Sử dụng đòn bẩy tài chính để tạo sức bật, đa dạng và bành trướng thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, một khi chiến lược kinh doanh thiếu bền vững và không đạt hiệu quả như kỳ vọng; trong khi gánh trên vai khoản nợ lớn, lãi vay ăn mòn lợi nhuận theo thời gian, doanh nghiệp phải bán dần tài sản để thanh toán những khoản vay kếch xù đó.

Quỳnh Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.