Hai chị em kiếm 15 tỷ đồng trong Shark Tank dù không nhớ lãi của tháng gần nhất
Đến với chương trình Shark Tank Việt Nam ngày 30/12, hai chị em Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Thu Thủy - hai người sáng lập hệ thống Soya Garden - kêu gọi số vốn 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty.
Soya Garden là hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ, thay thế toàn bộ các sản phẩm có sữa bò, sữa động vật bằng sữa đậu nành.
“Ở Việt Nam, sữa đậu nành và sản phẩm từ đậu nành đã trở nên phổ biến từ lâu. Thế nhưng, cơ sở bán sản phẩm này chủ yếu là những hộ đầu tư nhỏ lẻ, cá thể. Vì vậy, Soya Garden là hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại nước ta”, Thu Thủy nhấn mạnh.
Hai chị em Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Thu Thủy (sáng lập hệ thống Soya Garden) kêu gọi số vốn đầu tư 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty. Ảnh: Shark Tank Việt Nam. |
Hiện nay, Soya Garden có 10 cơ sở ở miền Bắc, bao gồm 2 cửa hàng chính và 8 cửa hàng nhượng quyền.
Do đặc điểm sản phẩm thiên về chăm sóc sức khỏe, Soya Garden chú trọng nhóm khách hàng nữ văn phòng có độ tuổi từ 22 tuổi trở lên, bởi đây là độ tuổi mà người dân bắt đầu có ý thức hơn với bản thân.
Lợi thế cạnh tranh của Soya Garden là hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên, duy nhất. Vì vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Soya Garden không có đối thủ.
Anh Tuấn cho biết, doanh số trung bình một tháng tại hai cửa hàng chính của Soya Garden khoảng 250 - 300 triệu đồng, tại cửa hàng nhượng quyền khoảng 150 triệu đồng. Tổng doanh thu hai cửa hàng chính năm đầu tiên tầm 3,6 tỷ đồng, trong năm nay (năm thứ hai) khoảng 7 tỷ đồng. Chí phí vốn trung bình cho nguyên liệu sản phẩm chiếm 23 - 25% theo con số thống kê cuối tháng.
“Do chi phí vận hành lớn nên lợi nhuận hiện tại của chúng tôi chưa nhiều”, Anh Tuấn nói.
Soya Garden muốn xây dựng 5 cửa hàng ở thị trường miền Nam trong thời gian sắp tới. Tại mỗi cửa hàng, Soya Garden đầu tư 7 tỷ đồng, bao gồm 2 tỷ đồng chi phí đầu tư và 5 tỷ đồng cho tiếp thị, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới.
Ông Nguyễn Xuân Phú nhận định: Điểm yếu của Soya Garden là bản thân người sáng lập và điều hành không nắm rõ con số lợi nhuận gần nhất, đồng thời sản phẩm chưa thực sự đặc biệt, người khác có thể sao chép dễ dàng. Do đó, ông không đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Vương không đầu tư và đưa ra một lời khuyên: “Tôi thấy nhiều bạn đi gọi vốn nhưng chưa nắm bắt rõ tình hình tài chính của công ty. Các bạn cần hệ thống hóa mảng kế toán, mời chuyên gia tư vấn để định giá chính xác công ty”.
Cho rằng nhiệm vụ khó nhất của Soya Garden là phải “cướp thị phần”, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Trong khi, số vốn 15 tỷ đồng Soya Garden kêu gọi không đủ lớn để thực hiện điều vấn đề then chốt đó, nên ông Phạm Thanh Hưng không tham gia góp vốn.
“Vấn đề lớn hơn nằm ở chiến lược kinh doanh. Soya Garden cần đưa ra giá cao hơn để khẳng định chất lượng với người tiêu dùng. Kế hoạch tiếp thị của Soya Garden chưa sâu. Tôi quyết định không đầu tư”, bà Thái Văn Linh nói.
Khác với 4 nhà đầu tư trước, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch tập đoàn giáo dục Egroup và tạo nên chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất cả nước - nhận định Soya Garden là ý tưởng kinh doanh tốt, người sáng lập có nhiệt huyết, mặc dù còn nhiều vấn đề trở ngại. “Tôi muốn cứu vớt dự án này”, ông Nguyễn Ngọc Thủy nhấn mạnh.
Ông Thủy đề nghị 4 tỷ đồng cho 45% cổ phần và 11 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, với điều kiện ông Nguyễn Ngọc Thủy sẽ kiểm soát vấn đề tài chính công ty.
“Tôi sẽ cùng các bạn khởi nghiệp, không những đưa tiền mà còn chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm của tôi”, ông tuyên bố.
Sau khi suy nghĩ, hai chị em Anh Tuấn, Thu Thủy quyết định chọn khoản đầu tư của ông Nguyễn Ngọc Thủy.