|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GS Đặng Hùng Võ: Các dự án BT chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất cao

14:37 | 25/11/2017
Chia sẻ
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, thực hiện các dự án BT hiện nay chứa đựng nguy cơ tham nhũng và lợi ích nhóm.

Trao đổi với PV Nhadautu.vn xung quanh các vấn đề triển khai các dự án BT hiện nay, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: “Nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập hiện nay là việc xây dựng pháp luật cho cơ chế đổi đất lấy hạ tầng quá lỏnfg lẻo, khung pháp lý chưa phù hợp nên để lại quá nhiều khoảng trống, tạo ra nguy cơ tham nhũng, chúng ta cần nhìn lại cả quá trình sử dụfng quỹ đất để làm hạ tầng".

“Câu chuyện này bắt đầu từ giữa những năm 1990 khi lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sử dụng cơ chế đổi đất lấy hạ tầng với mục đích xây dựng con đường ven biển. Tại thời điểm đó, đây là cách thức được ca ngợi khi địa phương thiếu ngân sách nhưng lại xây dựng được một con đường rất đẹp, tạo tiền đề hạ tầng để phát triển đô thị”, GS Võ nói.

gs dang hung vo cac du an bt chua dung nguy co tham nhung rat cao
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Ảnh: Phan Chính

Ông Võ thông tin: “Sau khi tiến hành kiểm tra lại, rất nhiều lãnh đạo của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã bị kỉ luật vì vấn đề tham nhũng trong cơ chế đó. Vì vậy tôi cho rằng đây là một cơ chế luôn chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất cao”.

Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT nói: “Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 181 về việc thi hành luật đất đai và đưa ra một lời khai tử đối với cơ chế đổi đất lấy hạ tầng. Theo đó, cơ chế này sẽ được áp dụng theo hình thức Nhà nước đấu giá đất rồi lấy tiền xây dựng hạ tầng”.

“Thế nhưng sau đó, rất nhiều nhà đầu tư đã muốn quay lại cơ chế này và tìm kiếm các dự án BT của các công ty đối tác, xét về nội dung, dự án BT giống như cơ chế đổi đất lấy hạ tầng và chỉ có sự khác biệt về mặt tên gọi. Nhưng nhắc đến dự án BT thì không mấy ai biết tới trong nội dung của nó có chuyện đổi đất”, ông Võ nói thêm.

GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng: “Kẻ hở lớn nhất trong cơ chế BT chính là vấn đề xác định giá trị. Hiện, chưa có quy định rõ ràng về việc xác định chất lượng hạ tầng cũng như quy định về giá đất được đem đổi, đặc biệt là những khu vực đất gắn với hạ tầng là con đường. Tất cả chỉ dừng lại ở mức chung chung là phù hợp với giá trị trường”.

Theo luật hiện hành của nước ta, mọi dự án đều phải mang ra đấu thầu, trừ những dự án có hoàn cảnh riêng đặc biệt. Vậy thì ta cứ theo đúng luật mà làm và dự án BT cũng như vậy chứ không có gì đặc ân hơn để không phải áp dụng cơ chế đấu thầu. Những trường hợp được chỉ định thầu là những trường hợp rất đặc biệt và phải xem xét, cân nhắc rất kĩ lưỡng.

Ông Võ quả quyết, hiện các dự án BT đều chỉ định thầu hoặc đấu thầu đối phó, để cho nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện và việc này tạo ra kẽ hở thứ hai trong cơ chế BT.

Đặc biệt còn xảy ra việc chủ đầu tư dự án được giao đất trước sau đó đem bán cho người khác rồi mới làm dự án. Vậy tại sao Nhà nước không đem ra đấu giá ngay từ đầu mà lại để cho chủ đầu tư chuyển nhượng cho người khác?

GS. Đặng Hùng Võ khẳng định, dựa vào những gì đang vận hành trên thực tế thì chắc chắn phải có một liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp nào đó giữa nhà quản lý các dự án BT với các chủ đầu tư đề xuất dự án. Chắc chắn có lợi ích nhóm thì mới có thể xảy ra tình trạng nội dung của hợp đồng BT rất trống, không mạch lạc, rõ ràng và khi triển khai thì gây ra thiệt hại rất nhiều.

Duy Đăng