|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Góc nhìn về việc phụ nữ làm chủ doanh nghiệp

11:12 | 17/11/2017
Chia sẻ
Câu chuyện của người phụ nữ làm mẹ trong nhà, làm cha trong doanh nghiệp không còn là chủ đề quá mới. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, với sự xuất hiện của người phụ nữ trong vai trò làm chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) càng nhiều, tuy nhiên họ vẫn bị đặt dưới các quan niệm sai lầm. Vì thế, các DN này gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tài chính từ phía ngân hàng. 

Hội thảo về “Hiệu quả kinh tế khi thực hiện bình đẳng giới” do tổ chức IFC (International Finance Corporation) tổ chức vào chiều 16/11/2017 đã đề cập và bàn luận đến sự tham gia của doanh nhân nữ Việt trong phân khúc Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV).

goc nhin ve viec phu nu lam chu doanh nghiep
Buổi hội thảo diễn ra trong không gian của Bảo tàng Phụ nữ, trung tâm là bức tượng một người phụ nữ bế con trong tư thế ngẩng cao đầu. Như một tuyên bố không bằng lời đã truyền đạt được chủ đề của buổi hội thảo diễn ra: Bình đẳng giới, vị thế của người phụ nữ trong DN làm ăn kinh tế. (Ảnh: Quỳnh Trang)

Hội thảo với mục đích làm rõ nhu cầu vốn của các DN do phụ nữ làm chủ và sự thiếu hụt tài trợ ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Từ đó, các ngân hàng sẽ xác định được chiến lược dịch vụ tài chính có chọn lọc dành cho phân khúc này.

Cung cấp tài chính cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ

Theo khảo sát, các DN nhỏ do phụ nữ làm chủ nhận được khoản vay ngân hàng với quy mô trung bình là 2,54 tỷ đồng, trong khi cácDN vừa do phụ nữ làm chủ nhận được khoản vay ngân hàng có quy mô trung bình là 4,33 tỷ đồng. DN nhỏ do nam giới làm chủ nhận được khoản vay lớn hơn đôi chút, trung bình khoảng 2,89 tỷ đồng, và DN vừa do nam giới làm chủ nhận được khoản vay với quy mô trung bình là 4,37 tỷ đồng.

Khoảng 35% DN do phụ nữ làm chủ và 45% DN do nam giới làm chủ tiếp cận được khoản vay ngân hàng trong vòng hai năm qua. Do đó, báo cáo giả định rằng đây là tỷ lệ phần trăm các DNNVV tiếp cận tài chính ngân hàng. Nhân quy mô khoản vay trung bình với tỷ lệ phần trăm chủ DN nữ và nam có sử dụng tài trợ ngân hàng được kết quả ước tính dư nợ tín dụng ngân hàng là 231,69 nghìn tỷ đồng. Trong đó, DNNVV do phụ nữ làm chủ chiếm 37,98 nghìn tỷ đồng và DNNVV do nam giới làm chủ chiếm 193,7 nghìn tỷ đồng.

goc nhin ve viec phu nu lam chu doanh nghiep
Nguồn: Dữ liệu Tổng cục Thống kê.

6 trong số 9 ngân hàng được phỏng vấn không xem phân khúc DNNVV do phụ nữ làm chủ là một ưu tiên, cho rằng phân khúc này là nhỏ với triển vọng bán hàng thấp. Các lý do cơ bản mà các ngân hàng, nằm trong 7 quan niệm sai lầm hiện nay về các DNNVV do phụ nữ làm chủ:

Các doanh nhân nữ ngại rủi ro trong tìm kiếm tài trợ hơn so với các doanh nhân nam.

IFC cho rằng mức độ chấp nhận rủi ro trong tìm kiếm tài trợ là rất tương đồng giữa các chủ DNNVV nam và nữ.

Một nửa chủ DN nữ và nam cho rằng thời điểm tốt để nộp đơn xin vay vốn là khi họ có một ý tưởng kinh doanh có thể thành công và cần tài trợ vốn. Không có sự khác biệt về mức độ chấp nhận rủi ro liên quan đến các khoản vay ngân hàng, phụ nữ tiếp cận rủi ro khác với nam giới do họ tập trung vào các mục tiêu dài hạn và ý thức về rủi ro cao hơn. Nói cách khác, phụ nữ có xu hướng đo lường và phân tích rủi ro tỉ mỉ hơn, thay vì đơn giản làm theo trực giác.

Phụ nữ cần được đào tạo về tài chính nhiều hơn so với nam giới.

Đây là quan niệm sai lầm phổ biến khi cho rằng phụ nữ có kỹ năng quản lý tài chính kém hơn và cần đào tạo bổ sung về tài chính. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ có xu hướng yêu cầu nhiều thông tin hơn trước khi đưa ra quyết định và muốn đảm bảo rằng họ hiểu vấn đề, trong khi đó, nam giới thường ra quyết định với ít thông tin hơn. Điều này khiến phụ nữ có vẻ ít hiểu biết hơn đối với các nhân viên ngân hàng mà họ đang giao dịch và trong nhận thức của chính họ.

Bên cạnh đó là các quan niệm: Phụ nữ chỉ nên tập trung vào các hoạt động kinh doanh nhỏ như “công việc tay trái”. Phụ nữ có con không có thời gian để lãnh đạo DN, có những ưu tiên khác và ít có khả năng trả nợ hơn so với nam giới. Hay họ chỉ làm việc trong các DN gia đình và phần lớn do nam giới làm chủ. Phụ nữ không có thời gian cho học hỏi và xây dựng mạng lưới.

Ngược lại, 3 trong số 9 ngân hàng xem các DNNVV có phụ nữ làm chủ là một cơ hội thị trường tốt và lạc quan về triển vọng gia nhập thị trường này. Quan điểm của họ được tóm tắt: “Không có thách thức cụ thể nào trong việc phục vụ các khách hàng DNNVV do phụ nữ làm chủ vì trong những năm gần đây Việt Nam đã có nhiều tiến triển về bình đẳng giới”.

Trao đổi về vấn đề này,hội thảo đã có cuộc trò chuyện bàn tròn với hai đại diện đến từ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank).

goc nhin ve viec phu nu lam chu doanh nghiep

VP Bank cho biết đã thiết lập mảng hoạt động kinh doanh tập trung vào phân khúc DNNVV do phụ nữ làm chủ đã được tiến hành gần một năm, bắt đầu vào tháng 11 năm 2016.

Từ các nghiên cứu của VP Bank, hai đại diện cho rằng các DN này gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và cản trở từ phía gia đình do những quan niệm không tích cực về vị thế của người phụ nữ khi làm chủ DN. Hiện tại, VP Bank là một trong số các ngân hàng đang triển khai chương trình để có thể tạo điều kiện cho DN tiếp cận tài chính dễ dàng hơn, thông qua các dịch vụ tín dụng và các dịch vụ phi tài chính.

Phụ nữ trong nền kinh tế

Việt Nam được đánh giá tốt về bình đẳng giới so với các quốc gia khác có cùng trình độ phát triển, đặc biệt là về sự tham gia và cơ hội kinh tế. Việt Nam xếp hạng 65 trong Chỉ số Toàn cầu về Khoảng cách Giới (tháng 7/2016), trong khi Campuchia đứng thứ 112 và Thái Lan đứng thứ 71 (Báo cáo Khoảng cách giới Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 2016).

Tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động ở mức 73% và đã có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ thu nhập phụ nữ so với nam giới đối với việc làm chính thức, tăng từ 70% năm 2007 lên 83% vào năm 2015. Ngoài ra, phụ nữ nắm giữ khoảng 30% vị trí quản lý cấp cao và gần 14% số ghế trong ban quản trị.

Ba phụ nữ Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Dung của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuânh (PNJ); và Nguyễn Thị Phương Thảo - Cổ đông sáng lập Tập đoàn Sovico Holdings (đồng thời là Tổng Giám đốc Vietjet Air và Phó Chủ tịch HDBank), và bà Thái Hương -Chủ tịch Tập đoàn TH – đã xuất hiện trong Danh sách những Phụ nữ Quyền lực nhất Châu Á năm 2016 của Forbes.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2013, khoảng 71% phụ nữ đang làm việc ở Việt Nam là tự sản xuất kinh doanh. Nông nghiệp và dịch vụ là những ngành sử dụng nhiều lao động nữ nhất. Những thập niên gần đây, tình trạng nữ giới hoá trong nông nghiệp diễn ra rõ nét đặc biệt là ở miền Bắc, và phụ nữ đảm nhiệm phần lớn các công việc trong nhiều chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tuy nhiên, điều này đề cập chủ yếu đến phụ nữ làm việc như lao động không được trả lương tại các trang trại gia đình và vận hành các DN siêu nhỏ hơn là các chủ DN có quy mô nhỏ hoặc vừa.

Như thế nào là DNNVV?

goc nhin ve viec phu nu lam chu doanh nghiep
Phân loại doanh nghiệp của IFC.

Các ngân hàng định nghĩa các DNNVV dựa trên doanh thu hàng năm. Mỗi ngân hàng có định nghĩa riêng, nhưng nhìn chung, các ngưỡng của các ngân hàng là cao hơn so với các ngưỡng của IFC. Phần lớn DN được IFC phân loại “quy mô vừa” được các ngân hàng Việt Nam phâ loại là loại “nhỏ”.

DNNVV đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chiếm hơn 98% tổng số DN, đóng góp 40% GDP và tạp ra 50% số việc làm của xã hội.

Năm 2016, theo Tổng cục Thống kê, số lượng DNNVV tăng khoảng 10.000 DN, một phần là do các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên, có một phân khúc DNNVV quan trọng hiện nay vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ về năng lực và tiềm năng. Việt Nam hiện có 95.906 DN do phụ nữ làm chủ, chiếm 21% tổng số DN đang hoạt động.

Quỳnh Trang