|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giúp thương hiệu nội trụ vững trước sóng M&A

07:48 | 12/02/2018
Chia sẻ
Ở ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), hiện có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ được vị trí dẫn dắt thị trường, vượt trội so với các đối thủ là các tập đoàn đa quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ có thể bị thâu tóm, mua lại bất kỳ lúc nào. Các doanh nghiệp Việt mong nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước, sự chia sẻ từ nhà bán lẻ nội địa để có thêm sức mạnh vượt qua “cám dỗ”.
giup thuong hieu noi tru vung truoc song ma Sôi động M&A bất động sản
giup thuong hieu noi tru vung truoc song ma Ngành nhựa dập dềnh sóng M&A
giup thuong hieu noi tru vung truoc song ma Tỷ phú Thái Charoen: Ông vua M&A
giup thuong hieu noi tru vung truoc song ma

Mua bán sáp nhập doanh nghiệp ở mảng thực phẩm diễn ra rất sôi động trong thời gian qua. Ảnh: Minh Tâm

Lợi thế của thương hiệu bản địa

Báo cáo tài chính quí 4-2017 vừa được công bố của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (Sagimexco) cho thấy, năm 2017, doanh nghiệp này tiếp tục tăng trưởng tốt cả về doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế. Doanh thu cả năm vượt trên 290,7 tỉ đồng và lợi nhuận ròng đạt trên 30,5 tỉ đồng, đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt hơn, phần lớn doanh thu và lợi nhuận này đến từ mặt hàng chính của Sa Giang, bánh phồng tôm. Riêng ở mặt hàng này, Sa Giang tiếp tục duy trì được vị trí dẫn đầu trên thị trường, nắm giữ thị phần lớn, vượt xa các đối thủ trong cùng ngành.

Cũng có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2017 là Công ty cổ phần Sài Gòn Food. Sản lượng bán cho thị trường nội địa của Sài Gòn Food trong năm 2017, theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc, tăng 30% so với năm 2016. Lẩu là mặt hàng chủ lực của Sài Gòn Food và tiếp tục xếp số 1 về thị phần dù có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh; riêng cháo tươi thì vẫn độc quyền trên thị trường.

Sa Giang hay Sài Gòn Food là hai cái tên minh chứng cho xu thế các doanh nghiệp nội địa ở ngành FMCG đang nắm giữ được vị trí dẫn đầu trên thị trường, vượt lên trên các đối thủ là tập đoàn đa quốc gia. Nhìn một cách tổng thể, theo báo cáo “Asia Brand Power” (Thương hiệu châu Á) vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố thì ở thị trường nông thôn lẫn thành thị, thị phần của các thương hiệu nội địa đều vượt trội. Cụ thể, ở thị trường nông thôn, các thương hiệu nội địa đang nắm giữ đến 78% thị phần, gấp hơn 3,5 lần so với thị phần của thương hiệu quốc tế. Ở thị trường thành thị, tỷ lệ lần lượt là 71% và 29%.

Còn theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, xét ở từng ngành, các doanh nghiệp nội địa đang có ưu thế về thị phần ở ngành thực phẩm và nước giải khát với tỷ lệ lần lượt là 69% và 45%. Ở ngành chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, doanh nghiệp đa quốc gia có lợi thế hơn nhưng xét về tốc độ tăng trưởng thì các doanh nghiệp nội địa lại có mức tăng tốt hơn. Nhìn tổng thị trường thì các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam đã đạt được mức 7% trong năm 2016 (so với tỉ lệ 5% hai năm trước), cao hơn 5 điểm phần trăm so với mức tăng của các doanh nghiệp toàn cầu và đang đóng góp đến 42% trong tổng số doanh thu của toàn ngành hàng FMCG.

Trao đổi với TBKTSG, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), cho biết thực hiện nghiên cứu để có con số thống kê chính thức thì hội chưa làm nhưng qua quan sát thực tế có thể thấy nhiều doanh nghiệp nội địa dẫn đầu trong một số mặt hàng trên thị trường thực phẩm. Ở một số mặt hàng như thịt gia súc, gia cầm tươi sống hay lương thực, rau củ quả, mức độ chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nội địa rất cao. Có được vị thế này, theo bà Chi, đó là nhờ các doanh nghiệp đã có thương hiệu lâu năm, ghi được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng và đặc biệt là đã luôn có sự cải tiến mẫu mã, chất lượng.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam, cho rằng sự tăng trưởng của các thương hiệu Việt Nam đến từ nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm ngày càng được cải tiến; giá cạnh tranh; hệ thống phân phối rộng khắp được duy trì liên tục trong thời gian dài, có khả năng tiếp cận người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa.

Từ trải nghiệm của người trực tiếp kinh doanh trên thị trường, bà Lâm cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam ở ngành thực phẩm có một lợi thế rất lớn mà các tập đoàn đa quốc gia khó lòng có được. Đó là sự thấu hiểu về văn hóa, về tập quán, về khẩu vị của người tiêu dùng trong nước. Sự thấu hiểu này cộng với sự đầu tư công nghệ đúng, đủ và sự linh hoạt, xoay chuyển nhanh nhờ quy mô nhỏ đã giúp doanh nghiệp Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng đang rất dễ thay đổi hiện nay.

Để giữ được doanh nghiệp Việt

Việc các doanh nghiệp nội địa xây dựng được thương hiệu lâu đời, có được mạng lưới phân phối rộng khắp... và vượt lên trên các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại thị trường Việt Nam cũng đồng thời đặt ra một nguy cơ. Các doanh nghiệp đó sẽ được các doanh nghiệp nước ngoài giàu tiềm lực tài chính thâu tóm qua hình thức mua bán, sáp nhập (M&A). Thực tế này đã diễn ra khá nhiều trong thời gian vừa qua. Tập đoàn CJ của Hàn Quốc đã mua trên 70% cổ phần tại Công ty cổ phần Cầu Tre, một doanh nghiệp có tên tuổi ở mảng thực phẩm đông lạnh. CJ cũng mua thương hiệu kim chi ông Kim’s. Tập đoàn Kinh Đô, từng là số 1 ở ngành bánh kẹo Việt Nam đã bán mảng kinh doanh này cho tập đoàn Mondelēz và đổi tên thành tập đoàn Kido, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm thiết yếu khác như dầu ăn, mì gói...

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, doanh nghiệp chuyên cung cấp mặt hàng thịt gia cầm, chia sẻ có rất nhiều nhà đầu tư đến đặt vấn đề liên kết, mua lại công ty của bà. “Câu hỏi quen thuộc của các nhà đầu tư tìm đến luôn là: doanh nghiệp có muốn lớn mạnh không? Họ đánh đúng vào điều quan tâm nhất của bất cứ công ty nào”, bà Hà kể.

Bà Lâm cũng chia sẻ, các doanh nghiệp thực phẩm với lợi thế hiểu người tiêu dùng nội địa đang được các công ty nước ngoài để ý mua nhiều nhất. Chỉ có những doanh nghiệp có chiến lược dài hạn mới vượt qua được những cám dỗ này.

Tuy nhiên, vẫn có cách để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trước làn sóng M&A của các tập đoàn đa quốc gia, giữ được các thương hiệu thuần Việt. Đó là Nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực, vừa bảo hộ được nền sản xuất trong nước, vừa không vi phạm các cam kết mở cửa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cho doanh nghiệp sản xuất vay với lãi suất kích cầu là một trong những việc có thể làm được. “Quan trọng nhất là phải cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ những thủ tục vô lý để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, phải tạo được sự chuyển biến, thay đổi của toàn bộ các bộ, ngành. Có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm làm ăn, phát huy được những lợi thế cạnh tranh, có đủ niềm tin và sức mạnh duy trì thương hiệu Việt”, bà Kim Chi nêu ý kiến.

Bà Hà cho rằng, các doanh nghiệp trong nước nếu biết khai thác, tận dụng lợi thế vô cùng lớn là sự hiểu rõ về người tiêu dùng và bạn hàng thì sẽ thành công. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp phải ráng giữ cơ ngơi cho con, cháu mình. Điều này, tất nhiên không dễ bởi cám dỗ luôn vây quanh. Và để vượt qua thì mỗi doanh nghiệp cần quay lại xây dựng nền móng thật chắc, chuyên tâm vào những giá trị cốt lõi của mình. Đồng thời, theo bà Hà, doanh nghiệp cũng cần có người dẫn dắt, kết nối, liên kết để tạo thành một mạng lưới. Vì vậy, các hiệp hội ngành nghề cần mạnh lên, tạo ra những hiệu ứng tốt trong cộng đồng doanh nghiệp.

Minh Tâm