|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giống như Thế giới Di động, chuỗi cà phê Starbucks yêu cầu các chủ mặt bằng giảm giá thuê trong một năm

11:08 | 15/05/2020
Chia sẻ
Chuỗi quán cà phê Starbucks muốn các chủ mặt bằng giảm giá thuê trong ít nhất 12 tháng để giảm bớt tổn thất tài chính do dịch viêm phổi cấp COVID-19 gây nên.

Seattle Times đưa tin chuỗi quán cà phê Starbucks đã gửi một thư tới các chủ mặt bằng mà tập đoàn thuê để yêu cầu họ giảm giá thuê vào năm sau, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến doanh thu giảm mạnh.

Trong thư, Starbucks nói rằng họ muốn chủ mặt bằng giảm giá thuê trong tối thiểu 12 tháng tính từ ngày 1/6 .

Ông Pat Grismer, giám đốc tài chính của Starbucks, từng nói hồi cuối tháng 4 rằng tập đoàn sẽ nỗ lực để giảm giá thuê mặt bằng nhằm giảm bớt thiệt hại tài chính do COVID-19 gây ra.

"Chúng tôi đang thương lượng với các chủ mặt bằng ở nhiều địa phương để chốt mức giá thuê phù hợp với điều kiện khó khăn hiện nay", ông thổ lộ.

Giống như Thế giới Di động, chuỗi cà phê Starbucks yêu cầu các chủ mặt bằng giảm giá thuê trong một năm - Ảnh 1.

Một quán cà phê Starbucks ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, Starbucks vẫn lỗ hơn 900 triệu USD

Do ảnh hưởng của việc đóng các tiệm cà phê vì COVID-19, Starbucks ước tính họ lỗ 915 triệu USD trong quí I vì phải giảm thời gian phục vụ và giảm số lượt khách. Lợi nhuận của tập đoàn giảm một nửa do phải tăng mức lương theo giờ cho nhân viên, đồng thời mua nhiều sản phẩm chống dịch như khẩu trang, nước sát trùng cho nhân viên.

Hôm 4/5, Starbucks thông báo họ sẽ mở lại 85% quán cà phê đang ngừng hoạt động ở Mỹ. Trước đó, tập đoàn đóng khoảng một nửa quán cà phê ở Mỹ hồi tháng 3 để ngừa dịch.

Kevin Johnson, tổng giám đốc Starbucks, nói rằng hơn 15.000 cửa hàng Starbucks đã chuyển sang kinh doanh bằng các dịch vụ như giao hàng tại nhà, bán đồ uống mang đi, bán hàng bằng xe tải lưu động.

Ở Việt Nam, sau khi chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, chuỗi Starbucks cũng mở cửa trở lại từ 24/4. Các cửa hàng đã giới hạn khu vực ghế ngồi và duy trì khoảng cách an toàn giữa mọi người.

Quán cà phê có diện tích nhỏ sẽ chỉ cho phép 10 khách ngồi cùng một lúc, còn cửa hàng lớn có thể tiếp nhận 20 khách.

Starbucks Việt Nam cũng khuyến khích khách gọi đồ sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, để giảm tiếp xúc.

Câu chuyện tương tự của Thế Giới Di động

CTCP Đầu tư Thế giới Di động đã gửi công văn đến các đối tác mặt bằng để đề nghị điều chỉnh, miễn giảm chi phí thuê mặt bằng trước tác động của dịch COVID-19.

Hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ (bao gồm cả Thế giới Di động và Điện Máy Xanh), Thế giới Di động có mạng lưới cửa hàng phủ khắp cả nước.

Công văn nhấn mạnh rằng, mặc dù Thế giới Di động đã tích cực cắt giảm chi phí vận hành nhưng khi Chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh để phòng chống dịch bệnh, công ty chịu ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh.

"Hiện tại, chúng ta chưa có bất kì thông tin rõ ràng nào về thời điểm chấm dứt dịch bệnh cũng như thời điểm thị trường hồi phục trở lại, đồng nghĩa với việc công ty và toàn thể nhân viên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước", công văn của Thế giới Di động nêu.

Ban lãnh đạo Thế giới Di động mong nhận được sự hỗ trợ của đối tác bằng cách "điều chỉnh giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 12 tháng và miễn chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng trong thời gian phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước."

Thế giới di Đông tiết lộ công ty sẽ trao đổi trực tiếp về kế hoạch chi tiết và cụ thể với từng đối tác.

Với mô hình kinh doanh lấy độ bao phủ cửa hàng làm lợi thế như Thế Giới Di Động, chi phí mặt bằng là một trong những chi phí lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

Tính đến cuối tháng 1/2020, Công ty có đến 3.084 cửa hàng đang hoạt động. Trong đó, chuỗi cửa hàng rộng lớn nhất là Điện Máy Xanh có đến 1.028 cửa hàng; chuỗi Thegioididong.com có 1.015 cửa hàng; chuỗi Bách Hoá Xanh dù ra đời sau cũng đã có 1.041 cửa hàng.

Nhạc Phong