Giới trẻ Trung Quốc chán việc văn phòng, chạy theo xu hướng 'việc nhẹ lương thấp'
Khi Eunice Wang nhận được công việc cố vấn chiến lược tại một công ty dược phẩm ở Bắc Kinh, giấc mơ đó đã trở thành hiện thực. Ước mơ được thực hiện sau 6 năm. Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật sinh học, và sau đó hoàn thành bằng thạc sĩ về phân tích kinh doanh tại Mỹ, theo CNBC Make It.
Tuy nhiên, chỉ sau ba tháng đi làm, cô gái 25 tuổi đã nghỉ việc. “Tôi nghĩ rằng tôi có thể ở lại công ty một năm, nhưng sau quãng thời gian đi làm, suy nghĩ trong tôi đã thay đổi. Tôi thực sự vô vọng”, cô nói.
Wang đã trở về quê hương để làm nhân viên pha chế 6 tháng trước. Việc chuyển từ công việc văn phòng sang “qing ti li huo” (hay “lao động nhẹ” trong tiếng Trung Quốc) đang trở nên phổ biến trong giới trẻ ở nước này.
Một hashtag có tên “trải nghiệm làm việc tay chân đầu tiên của tôi” đã có 30,3 triệu lượt xem trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, nơi một số người dùng mô tả công việc mới của họ là “không có trí tuệ”. Những công việc như vậy bao gồm làm quản lý tại một nhà hàng thức ăn nhanh, nhân viên phục vụ bàn và nhân viên dọn dẹp, hay bất cứ việc gì ngoại trừ việc ngồi trong văn phòng.
Một bài báo do Wu Xiaogang, một giáo sư xã hội học tại Đại học New York, Thượng Hải đồng tác giả ước tính rằng ít nhất 1/4 sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang thiếu việc làm, và đó là tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.
“Điều không thể phủ nhận là sau đại dịch COVID-19, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, rất nhiều người trẻ lại chật vật đi kiếm việc làm. Một số người trong số họ đã chọn tìm một công việc lao động nhẹ để cố gắng tự trang trải cuộc sống”, Jia Miao, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học New York, Thượng Hải cho biết.
Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng với những người lao động trẻ tuổi như Wang, những người đang tham gia vào điều mà các chuyên gia của CNBC gọi là “tự nguyện rút lui” khỏi công việc lành nghề.
Công việc văn phòng không "đẹp" như nhiều người nghĩ
Wang tưởng tượng rằng công việc tư vấn tại văn phòng của cô sẽ “thực sự sáng tạo” và mong đợi sự hợp tác với đồng nghiệp và lãnh đạo. Tuy nhiên, cô ấy nói rằng thực tế khác xa với suy nghĩ của bản thân. “Tôi không có thời gian để giao tiếp với bất kỳ ai vì khối lượng công việc lớn”, cô nói.
Thay vào đó, Wang dành cả ngày để soạn thảo các slide, viết báo cáo bằng tiếng Trung Quốc và dịch chúng sang tiếng Anh, công việc mà giáo sư Wu mô tả là công việc văn thư đòi hỏi “một chút thử thách trí tuệ”.
“Khi xã hội chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa, từ trang trại sang nhà máy, công việc không cần sự sáng tạo hay tự chủ. Bạn cần ở một vị trí cụ thể để làm điều tương tự lặp đi lặp lại. Điều tương tự đang xảy ra hiện nay khi nền kinh tế của chúng ta trở nên trưởng thành và phức tạp hơn. Rất nhiều người trẻ có thể cảm thấy thất vọng về công việc của họ”, trợ lý giáo sư Miao cho biết.
Miao cho biết, với sự cạnh tranh cao và văn hóa “996” (làm việc từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối trong suốt 6 ngày/tuần) khắc nghiệt, công việc đã trở nên cạn kiệt về cả mặt cảm xúc và thể chất đối với nhóm người lao động trẻ tuổi.
Thay đổi về giá trị công việc
Mặc dù vậy, những người trẻ tuổi như Wang vẫn tiếp tục vật lộn với kỳ vọng truyền thống là vào đại học và kiếm được một công việc văn phòng “ổn định”. “Tôi được bảo rằng nếu bạn hy sinh thời gian cá nhân, nỗ lực nhiều thì cuối cùng bạn sẽ trở thành một người ưu tú. Có cảm giác như nếu tôi không kiếm được một “công việc thực sự”, mọi thứ tôi làm trước đây sẽ trở nên vô nghĩa. Tôi có một nỗi sợ to lớn về thất bại”, Wang nói.
Các chuyên gia trẻ trên khắp thế giới đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của công việc trong những năm gần đây, với các phong trào như “quiet quitting” và “bare minimum Mondays” đang dần trở nên phổ biến hơn.
Tại Trung Quốc, có một hiện tượng mang tên “tang ping”, trong đó thanh niên từ chối văn hóa làm việc quá sức và chấp nhận “nằm bẹp”. Miao cho biết quá trình chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của đất nước là nguyên nhân gây ra “sự thay đổi đáng kể” về giá trị công việc.
“Đối với thế hệ cũ, họ làm việc trong nền kinh tế kế hoạch hóa, nơi mà công việc được kết hợp với tinh thần yêu nước. Nhưng bây giờ, vì con người đã tích lũy được nền tảng kinh tế nhất định, những người trẻ tuổi muốn cảm nhận chủ nghĩa cá nhân. Họ không tin rằng mục tiêu cuối cùng của họ là đóng góp cho đất nước”, chuyên gia nhận định,
Một định nghĩa mới về thành công?
Wu cho biết sự hấp dẫn của “công việc lao động tay chận nhẹ” đối với những người lao động bình thường là ở dạng “tự do và linh hoạt hơn” trong thời gian biểu hàng ngày. Họ cũng sẽ phải đánh đổi thu nhập và sự bảo đảm công việc khi đi theo những con đường ngắn hạn.
“Tôi sẽ không khuyến khích mọi người bỏ việc để làm điều này. Đôi khi tôi suy nghĩ về đặc quyền của mình, rằng tôi chỉ có thể theo đuổi điều này vì bố mẹ tôi thuộc tầng lớp trung lưu và tôi không phải lo lắng về tài chính”. Wang nói thêm.
Cô kiếm được khoảng 12.000 nhân dân tệ Trung Quốc (1.700 USD) mỗi tháng từ công việc văn phòng của mình. Là một nhân viên pha chế, cô ấy kiếm được số tiền chỉ bằng khoảng 1/4 mức đó và nhận được "một chút" hỗ trợ tài chính từ cha mẹ.
Tuy nhiên, điều có thể là trải nghiệm, mang tính vô giá đối với cô là sự khám phá bản thân mà Wang nói rằng cô đã có thể trải nghiệm sau khi rời bỏ công việc văn phòng của mình. Dù vậy, Wang cho biết cô dần nhận ra rằng những công việc đó không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng. Ví dụ, trở thành một nhân viên pha cà phê không chỉ cho phép cô ấy học các kỹ năng pha cà phê mà còn giúp cô ấy vượt qua nỗi sợ hãi khi bắt chuyện với mọi người.
Wang cho biết giờ đây cô tìm thấy sự hài lòng trong công việc mà cô không thể tìm thấy ở công việc trước đây. “Nói ra thì buồn cười, nhưng bây giờ được đi làm khiến tôi thấy vui. Tôi thực sự buồn về việc rời bỏ công việc văn phòng của mình bởi vì trong suốt những năm qua, tôi đã thực sự cố gắng để phù hợp với khuôn mẫu. Nhưng tôi nghĩ mình không bao giờ có thể trở thành người mà xã hội mong muốn”, Wang nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/