Giấy tờ chính hãng không làm khó doanh nghiệp nhập khẩu ô tô
|
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt nam cho biết tại hội thảo đóng góp ý kiến về Dự thảo Thông tư do Bộ Giao thông và vận tải soạn thảo, quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu tại Cục đăng kiểm Việt Nam chủ trì diễn ra chiều 12/9.
Tại hội thảo, Cục trưởng Trần Kỳ Hình khẳng định thông tư quy định về việc kiểm tra chất lượng đơn thuần là hàng rào kĩ thuật, không can thiệp điều kiện kinh doanh. Thông tư này tác động tới tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu, kể cả chính hãng và không chính hãng.
Cục đăng kiểm làm sáng tỏ lo lắng của nhiều doanh nghiệp về nội dung bắt buộc phải có bản gốc chứng nhận chất lượng xuất xưởng của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. Bản gốc chứng nhận này là do nhà sản xuất cấp cho phương tiện, không phải cấp cho nhà nhập khẩu. Cục này cho hay đây không phải là điều kiện kinh doanh, yêu cầu bản gốc giấy chứng nhận trên chỉ như ‘giấy khai sinh’ của sản phẩm, nhà sản xuất phải cam kết về an toàn đối với ‘đứa con’ của mình.
Vì vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính hãng có thể an tâm bởi giấy tờ trên không bắt buộc với mọi loại phương tiện. Cục Đăng kiểm chia thành 5 phương thức kiểm tra phù hợp điều kiện khác nhau của mỗi loại ô tô nhập khẩu.
Đại diện Cục diễn giải: “Tùy từng điều kiện doanh nghiệp có thể lấy được giấy bản chính giấy tờ hay không. Nếu doanh nghiệp không lấy được giấy chứng nhận bản chính sẽ phải kiểm tra theo quy trình. Còn nếu lấy được bản chính sẽ theo phương thức miễn kiểm tra khâu đó”.
Đối với yêu cầu bản sao giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường hoặc tương đương cơ quan thẩm quyền nước ngoài cấp, Cục Đăng kiểm cắt nghĩa đây là giấy tờ chứng nhận cho từng loại xe, chứ không phải cho từng chiếc xe.
Ví dụ, xe cơ giới chưa qua sử dụng cùng kiểu loại từng được đăng lý lưu hành tại các nước có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn mức hiện hành của Việt Nam như EU, G7 … khi có bản sao giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường sẽ được miễn kiểm tra các khâu đó.
Bản dự thảo Thông tư qui định về chất lượng xe nhập khẩu lần này đơn thuần chỉ là các quy định về kĩ thuật và nhận được sự đồng tình từ cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc một đơn vị nhập khẩu ô tô chia sẻ: “Ban đầu, Thông tư này tưởng như thông tư 20 nối dài nhưng sau khi nghe góp ý của VCCI và các doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo đã đưa ra một quy định quản lí về phương tiện chứ không quản lí về thủ tục giấy tờ”.
Tuy vậy, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu cần phải hiểu hơn nữa vai trò của mình tránh hiểu nhầm về thủ tục hành chính và kiểm tra kĩ thuật. Đối với các sản phẩm đã từng được nhập khẩu vào Việt Nam sẽ theo kiểm tra kĩ thuật cùng với các tiền lệ về kiểu xe. Nhưng với các sản phẩm lần đầu vào thị trường, doanh nghiệp nhập khẩu đứng vai như nhà sản xuất để làm giấy tờ nhập khẩu, đảm bảo đầy đủ các cam kết cho sản phẩm của mình.
Đại diện VCCI có mặt tại hội thảo cũng đồng ý với những điểm đổi mới không trói buộc doanh nghiệp nhập khẩu trong dự thảo. Đại diện này góp ý thêm, các tiêu chuẩn kĩ thuật cao là rất cần thiết nhưng phải đảm bảo được lợi thế của từng nhóm xe, ví dụ như nhóm xe dưới 9 chỗ sẽ chú trọng đến thương hiệu còn nhóm xe tải trọng tâm là đảm bảo tải trọng.
Cục trưởng Trần Kỳ Hình cho biết: “Ô tô dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu mỗi quốc gia đều có quy chuẩn nhất định do Nhà nước ban hành và đòi hỏi phải đáp ứng quy chuẩn kĩ thuật mới được tham gia lưu hành. Ô tô vào Việt Nam cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn phù hợp”.
Ông Hình khẳng định sản phẩm nào phù hợp với phương thức kiểm tra nào sẽ thực hiện theo phương thức đó, đảm bảo các doanh nghiệp đều được hành xử công tâm. “Chúng tôi luôn đảm bảo cho các doanh nghiệp dù lớn dù nhỏ đều có thể nhập khẩu ô tô về Việt Nam. Đích cuối cùng là người tiêu dùng phải được hưởng lợi” – ông nói.
Trước đó, theo Thông tư 20 của Bộ Công Thương, doanh nghiệp kinh doanh ô tô cần có 2 loại giấy tờ. Thứ nhất là giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng. Hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp. Sau khi Thông tư 20 hết hiệu lực, Bộ Công Thương đề xuất các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải tuân theo quy định kiểm tra chất lượng của Bộ Giao thông vận tải. Dự thảo Thông tư kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu đưa ra lần đầu gặp nhiều tranh cãi. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng các yêu cầu: Bắt buộc phải có chứng nhận bản gốc xuất xưởng hay phải có bản sao an toàn môi trường do cơ quan nước ngoài cấp là thủ tục gây cản trở doanh nghiệp nhập khẩu. |