|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm vận tải đường bộ, tăng đường sắt, đường thủy

21:09 | 30/03/2017
Chia sẻ
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ tái cơ cấu ngành vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không.
giam van tai duong bo tang duong sat duong thuy
Đến năm 2020 thị phần vận tải bằng đường bộ đối với hành khách và cả hàng hóa sẽ giảm - Ảnh: Anh Quân

Đây là nội dung đáng chú ý trong đề án tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 được Bộ GTVT phê duyệt hôm 21-3.

Theo đề án này, giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển đường thủy nội địa và hàng không.

Cụ thể, đến năm 2020 thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ chỉ còn 54,4%, đường sắt 4,3%, đường thủy nội địa 32,4%, đường biển 8,85 % và hàng không 0,04%.

Về thị phần vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ giảm xuống còn 93,22%, đường sắt 3,38%, đường thủy nội địa 0,17% và hàng không 3,23%.

Đối với vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đáp ứng 25% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 4-5%. Tại TPHCM đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 4-5%.

Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách đạt mức tiên tiến trong khu vực với chi phí phù hợp, góp phần giảm chi phí logistics xuống tương đương khoảng 15% GDP.

Để thực hiện được mục tiêu này, trong những năm tới, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Đồng thời, khai thác có hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện có, ưu tiên đầu tư, nâng cấp các công trình có tính trọng yếu để tạo sự đột phá trong phát triển vận tải và thực hiện tái cơ cấu vận tải.

Theo thống kê của Bộ GTVT, cơ cấu vận tải hành khách hiện nay đường bộ vẫn chiếm nhiều nhất với 95,75%, đường sắt chiếm 1,14%, hàng không 2,05%, đường thủy nội địa chiếm 0,19%, hàng hải chiếm 0,01%.

Đối với vận tải hàng hóa, hiện nay vận tải đường bộ vẫn chiếm hơn 70%, làm mất cân đối giữa các phương thức vận tải. Hệ lụy của việc mất cân đối này là việc chở quá tải gây hư hỏng đường, giá cước vận tải đường bộ không đúng với giá thành, tạo nên sự manh mún, nhỏ lẻ.

Vì thế, Bộ GTVT cho rằng cần giảm thị phần vận tải bằng đường bộ cả về hành khách và hàng hóa, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường thủy.

Lê Anh

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.