Giảm lãi suất cho vay: Thách thức do xử lý nợ xấu còn chậm
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao
Dữ liệu do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố tại Báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm cho thấy, tính đến 31/7, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt 7 triệu 489 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tăng 9,1% so với đầu năm, còn lại thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng góp xấp xỉ 25,1% tổng cung ứng vốn, tăng 24,3% so với đầu năm.
Tính đến cuối tháng 8, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 10,5% so với đầu năm 2015. Vốn huy động từ hệ thống các TCTD tăng khoảng 11% so với đầu năm, song tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước (9,2%) và chưa có dấu hiệu bứt phá bước trong quý III. Trong đó, tín dụng các khu vực ưu tiên tăng trưởng thấp hơn mức chung của toàn hệ thống cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao.
Ảnh: HSC |
Cũng theo đánh giá của Ủy ban, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 8 tiếp tục dồi dào. Biểu hiện ở mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm khoảng 0,3-0,5 điểm % ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước và duy trì ở mức thấp, trong khi khối lượng giao dịch bình quân giảm 24% so với tháng trước.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục mua USD trên thị trường và đồng thời mở rộng phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn (14 ngày). Trong tháng 8, các tổ chức tín dụng đã hấp thụ hết lượng tín phiếu kỳ ngắn hạn do NHNN phát hành với mức lãi suất rất thấp trong khoảng từ 0,7% đến 1,2%/năm, thấp hơn lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần (1,28%/năm) càng cho thấy thanh khoản ngân hàng khá dư thừa. Theo thống kê tính đến 22/8/2016, NHNN đã hút ròng hơn 128.000 tỷ đồng qua thị trường OMO.
Thanh khoản trên thị trường 1 tiếp tục ổn định, lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp. Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm có các yếu tố thuận lợi do thanh khoản liên ngân hàng dồi dào; tỷ lệ tín dụng/huy động là 84,6%, giảm so với mức 85,7% cuối năm 2015; áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỷ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định, lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc TPCP đã đạt hơn 89% kế hoạch năm sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng.
Tuy nhiên, theo Ủy ban đánh giá, việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm. Nợ xấu tính đến tháng 6/2016 toàn hệ thống là 2,78%, tăng 0,23 điểm % so với cuối năm 2015. Số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm là 59,7 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nhờ khách hàng trả nợ gần 31 nghìn tỷ đồng, số nợ xấu bán cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng.
Áp lực trên thị trường ngoại hối không lớn
Theo đánh giá của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, thời gian qua, tỷ giá VND/USD tại các NHTM và tỷ giá tự do vẫn giữ ổn định trong biên độ trên của tỷ giá trung tâm (dao động trong khoảng 22.300 - 22.350 VND/USD). Hiện tỷ giá trung tâm đang ở mức 21.898 VND/USD, tăng nhẹ 0,01% so với đầu năm. Chỉ số CDS có xu hướng giảm nhẹ và tỷ giá kỳ hạn NDF không thay đổi so với tháng trước cho thấy kỳ vọng vào tỷ giá hiện đang khá ổn định.
Ảnh: UBGSTCQG. |
Do đó, trong bối cảnh thị trường ngoại hối trong nước hiện đang ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào cán cân thương mại thặng dư, FDI tăng khá), cầu ngoại tệ chưa có nhiều đột biến khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vẫn có xu hướng giảm so với năm trước, các chuyên gia nhận định áp lực lên thị trường ngoại hối Việt Nam từ nay đến cuối năm là không lớn.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn FDI thực hiện 7 tháng đầu năm ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015. Còn theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/8, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 102,36 tỷ USD, giảm 0,4%, tương ứng giảm 393 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.
Theo An Hạ
Dân Trí