|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc Tiên Phong Travel: Kích cầu du lịch, lợi nhuận không còn là ưu tiên

08:00 | 04/06/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang trải qua cơn bĩ cực và phải chấp nhận hoạt động không lãi để thúc đẩy kích cầu du lịch, theo giám đốc công ty lữ hành Tiên Phong Travel.

Là một trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới với doanh thu ngành du lịch đóng góp đến 8,8% GDP trong năm 2019, có thể nói sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã giáng đòn đau vào các mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam năm 2020.

Giới truyền thông quốc tế nhắc đến Việt Nam như một trong những điển hình kiểm soát dịch Covid-19 thành công bậc nhất thế giới dù có đường biên giới nằm ngay cạnh Trung Quốc - quốc gia đầu tiên dịch bệnh bùng phát. Nhưng nền kinh tế nước ta nói chung và ngành du lịch nói riêng không tránh khỏi hệ lụy nặng nề của đại dịch.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2020 chỉ đạt chưa đầy 3,7 triệu lượt khách, tức giảm mạnh 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu du lịch trong nước cũng lao dốc không phanh, dẫn đến tổng thu từ khách du lịch ước đạt 143.600 tỷ đồng, tụt 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Sau khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội và bước đầu kiểm soát thành công dịch bệnh, cho đến tháng 5, ngành du lịch mới khởi động “Kích cầu du lịch”. Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch khi đó ban hành kế hoạch phát động chương trình “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kêu gọi sự vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và hãng hàng không trong việc đẩy mạnh thu hút khách nội địa.

Sau một tháng thực hiện kích cầu du lịch, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc công ty du lịch Tiên Phong Travel, đã chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp cũng như hiệu quả của phong trào “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Giám đốc Tiên Phong Travel: Kích cầu du lịch, "lợi nhuận không còn là ưu tiên" - Ảnh 1.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc công ty du lịch Tiên Phong Travel. Ảnh: Diên Vỹ

Thưa ông Khánh, sau 1 tháng ngành du lịch phát động phong trào "Kích cầu du lịch", giá nhiều gói combo du lịch bao gồm vé máy bay và khách sạn giảm mạnh 40-70%. Liệu doanh nghiệp du lịch có đang chịu lỗ?

Phải công nhận, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang trải qua cơn “bĩ cực” và phải chấp nhận hoạt động không lãi để thúc đẩy kích cầu du lịch. Không chỉ doanh nghiệp du lịch lỗ, mà tổng thể toàn bộ các thực thể cung cấp dịch vụ du lịch khép kín từ cơ sở lưu trú như khách sạn, cơ sở kinh doanh ẩm thực như nhà hàng... cho đến hãng hàng không đều chấp nhận giảm giá dịch vụ.

Nhưng trong tình huống hiện tại, lợi nhuận không còn là ưu tiên tiên quyết trong hoạt động của doanh nghiệp. Yếu tố quan trọng hơn cả trong kích cầu du lịch là kích cầu tiêu dùng. Không có tiêu dùng thì không có giao dịch, kéo theo rất nhiều rủi ro từ dòng tiền doanh nghiệp cho đến nguy cơ người lao động thất nghiệp. Đó chính là bản chất vì sao phải kích cầu du lịch.

Ví dụ như một ước tính cho thấy trong 4 năm gần đây, cứ 4 việc làm mới được tạo ra trong nền kinh tế thì có 1 việc làm trong lĩnh vực du lịch lữ hành. Bởi vậy, việc kích cầu giao dịch để đảm bảo doanh nghiệp du lịch không “chết lâm sàng”, người lao động không bị sa thải là điều vô cùng quan trọng. 

Trong tình trạng doanh nghiệp hoạt động không lãi như vậy, liệu các tour du lịch kích cầu giá rẻ sẽ được bán đến bao giờ?

Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, các đường bay đến Việt Nam vẫn đóng và chúng ta chưa thể đón khách nước ngoài trở lại. Tức là 100% lượng khách du lịch tiềm năng lúc này là khách nội địa.

Doanh nghiệp du lịch hiện tại không chỉ phải đối mặt với sức ép từ lượng khách quốc tế bằng 0, mà còn phải giải quyết bài toán thị phần, thị trường khi các công ty du lịch phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam hoặc khách Việt Nam đi quốc tế cũng quay về chia sẻ thị trường nội địa. Dưới áp lực cạnh tranh lớn như vậy, doanh nghiệp buộc phải bán tour không lợi nhuận, thậm chí là chấp nhận lỗ để duy trì hoạt động vận hành.

Cá nhân tôi nghĩ rằng chừng nào những nguy cơ từ dịch bệnh vẫn còn và lượng khách quốc tế chưa trở lại thì áp lực vẫn còn đè nặng lên doanh nghiệp, kích cầu du lịch vẫn còn phải diễn ra.

Giám đốc Tiên Phong Travel: Kích cầu du lịch, "lợi nhuận không còn là ưu tiên" - Ảnh 2.

"100% lượng khách du lịch tiềm năng lúc này là khách nội địa". Ảnh: Tổng cục Du lịch

Bản thân Tiên Phong Travel chịu ảnh hưởng thế nào trong đại dịch này?

Tất nhiên bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng như toàn ngành du lịch là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất của dịch bệnh. Tiên Phong Travel từng thực hiện một khảo sát nhỏ trên khách hàng vài tháng trước. Kết quả khảo sát chỉ ra khoảng 50% số khách được hỏi không có nhu cầu đi du lịch do rất nhiều lý do như quan ngại về sự an toàn, mức giá, thu nhập của bản thân… 20% khách hàng phân vân và chờ đợi diễn biến của dịch bệnh. Chỉ có 30% khách hàng cho biết sẵn sàng đi du lịch.

Nếu phải tiết lộ một con số cụ thể, tôi chỉ có thể nói rằng lượng khách hàng của Tiên Phong Travel trong những tháng đầu năm 2020 đã giảm mạnh 80-90% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo doanh thu và lợi nhuận trượt dốc. Có những thời điểm lượng khách giảm mạnh, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Ngay cả khi công ty không cắt giảm nhân sự, tôi nghĩ nhân viên cũng sẽ tự nghỉ việc vì … nhàn quá, không có giao dịch, không có việc làm. 

Nhìn chung, hoạt động cầm chừng là tình hình chung của rất nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước hiện tại, từ doanh nghiệp to đến doanh nghiệp nhỏ.

Sau 1 tháng hưởng ứng kích cầu du lịch, ông đánh giá hiệu quả của chính sách này ra sao?

Nếu nói về hiệu quả trong việc tăng cường lượng khách du lịch, nhìn chung doanh số bán tour của Tiên Phong Travel đã bước đầu có sự khởi sắc trở lại. Nhưng trong sự khởi sắc lại bao hàm sự thay đổi hành vi khách hàng.

Nhóm khách hàng hưởng ứng kích cầu du lịch đa số là khách tự do, bao gồm cá nhân hoặc gia đình. Do đó, doanh số tăng chủ yếu là nhờ hoạt động bán tour lẻ. Nhóm khách hàng tổ chức, tập thể giảm mạnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ hàng năm, đây là thời điểm các trường học tổ chức kỳ du lịch hè cho cán bộ giáo viên. Nhưng năm nay, kỳ nghỉ hè gần như không có vì học sinh đã nghỉ dịch vài tháng trời. Nhiều trường học do đó hủy bỏ sự kiện du lịch hè thường niên. 

Cá nhân tôi cho rằng để đẩy mạnh hiệu quả kích cầu du lịch trên cả nước một cách tối đa, cần có sự vào cuộc kết hợp của chính quyền địa phương và toàn ngành du lịch một cách đồng bộ, tránh hiện tượng kích cầu manh mún, bộc phát, thiếu đồng đều. Cần đảm bảo kích cầu du lịch giá rẻ đi kèm với chất lượng.

Người ta nói trong nguy có cơ, vậy ngoài “nguy” thì dịch Covid-19 có đem lại cơ hội gì cho Tiên Phong Travel nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung không thưa ông?

Xét trên nhiều bình diện, dịch Covid-19 là “phép sàng lọc”. Nó đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp du lịch nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội tái cơ cấu doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy nhân sự, giảm thiểu chi phí hoạt động và quan trọng hơn cả là nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Trong tình thế nguy ngập và cạnh tranh cao, chỉ có doanh nghiệp “khỏe” mới sống được qua dịch. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp “khỏe”, không bị thị trường đào thải? Đó là bài toán với ban lãnh đạo: hoàn thiện dịch vụ ra sao, quan tâm chú trọng trải nghiệm người dùng như thế nào, làm cách nào để tận dụng kích cầu du lịch…

Xa hơn nữa, với toàn ngành nói chung, dịch Covid-19 cũng là cơ hội để thu hút khách du lịch Việt Nam trải nghiệm dịch vụ du lịch Việt Nam. Hàng năm, rất nhiều người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, trong khi bản thân nước ta ngày càng có nhiều địa điểm du lịch đẹp và đầy tiềm năng. Đây chính là cơ hội để các địa điểm du lịch trong nước tiếp cận khách hàng nội địa, kích thích chi tiêu và trải nghiệm du lịch trong nước.

Thưa ông, ông lường trước kịch bản nào cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong năm nay?

Có thể khẳng định, tương lai của các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến và thời gian kéo dài của dịch bệnh. Nếu ngành y tế thế giới sớm nghiên cứu thành công vaccine chống Covid-19 kiểm soát dịch bệnh, các đường bay quốc tế mở cửa trở lại và nền kinh tế toàn cầu phục hồi, đó sẽ là viễn cảnh sáng cho du lịch Việt Nam. Nếu dịch bệnh kéo dài, nguy cơ sẽ có nhiều doanh nghiệp buộc phải sáp nhập, tinh gọn quy mô doanh nghiệp.

Nhìn chung, rất khó để dự đoán một kịch bản lạc quan cho ngành du lịch Việt Nam trong năm 2020, khi tình hình dịch Covid-19 còn nhiều bất ổn như vậy. 

Xin cảm ơn ông!

Diên Vỹ