Giải mã 3 loại 'bẫy' thẻ tín dụng quốc tế
Hiện nay, thẻ tín dụng đã trở thành một công cụ được sử dụng thường xuyên trong các hoạt động giao dịch thanh toán tại Việt Nam và trên thế giới.
Tuy nhiên, khi sử dụng thẻ tín dụng, nhiều khách hàng vẫn băn khoăn, thắc mắc hoặc thậm chí hoài nghi cách tính phí của các ngân hàng. Hãy cùng điểm lại 3 loại phí và cách tính lãi dễ gây hiểu nhầm khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế:
Các loại thẻ tín dụng. (Ảnh minh họa) |
1. Phí rút tiền mặt
Mức phí này phổ biến ở mức 4%, đây là loại phí mà khi sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt, chủ thẻ sẽ mất ngay một khoản phí không nhỏ tính trên số lượng tiền đã rút. Không những thế, người dùng còn bị tính lãi ngay trên số tiền rút đến ngày thanh toán 100% số dư nợ trên thẻ.
So với mức lãi suất thẻ tín dụng bình quân là 25%/năm, thì khi khách hàng rút tiền mặt sử dụng trong vòng 1 tháng với mức lãi suất 6%/tháng, mức lãi tương đương sẽ gần 70%/năm.
Thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán và các ngân hàng thường khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ trong các giao dịch mua bán hơn là các giao dịch tiền mặt. Do đó, việc đặt mức phí này ở mức cao là một hình thức để hạn chế các giao dịch tiền mặt như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, nhiều người sử dụng thẻ không để ý đến loại phí này hoặc chấp nhận mất một khoản phí để sử dụng tiền trong một khoảng thời gian ngắn.
2. Phí liên quan đến xử lý giao dịch ngoại tệ
Khi sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch với một đơn vị nước ngoài hoặc dùng thẻ ở nước ngoài, đơn vị tiền giao dịch là ngoại tệ, chủ thẻ tín dụng còn mất một số các loại phí như: phí xử lý giao dịch, phí chênh lệch ngoại tệ, phí quản lý giao dịch ngoại tệ hay phí xử lý giao dịch đại lý nước ngoài.
Ở từng ngân hàng, việc phân loại các mức phí này là khác nhau, nhiều ngân hàng gộp chung vào một loại phí là phí quản lý giao dịch ngoại tệ như: TPBank từ 1% - 2,7%; VIB từ 3% - 4%. Tecombank 2,59% - 2,95%. Sacombank 3%, HSBC 4%.
Một số ngân hàng như ACB hay Vietinbank lại tách riêng từng loại phí khác nhau. Ví dụ: ACB có phí xử lý giao dịch từ 1,9% - 2,6%, phí chênh lệch tỷ giá từ 0% - 1,1%; Vietinbank có phí xử lý giao dịch 1%, phí chuyển đổi ngoại tệ 2%.
Ngoài ra, đối với việc thanh toán trong nước nhưng tại các đại lý của nước ngoài như Uber hay Agoda, hiện một số ngân hàng như ACB và Techcombank đã thực hiện thu thêm phí xử lý giao dịch đại lý nước ngoài với mức phí từ 0,88% -1,1%.
Do vậy, khi sử dụng cho những khoản thanh toán bằng ngoại tệ, khách hàng sẽ phải chịu thêm một mức phí khoảng 3% - 4% trên số tiền giao dịch. Đây là lý do nhiều khách hàng thắc mắc vì sao khi tự quy đổi số tiền phải thanh toán tại ngân hàng và khoản ngoại tệ đã thanh toán thì mức tỷ giá cao hơn bình thường.
3. Tối đa 45 ngày miễn lãi
Khi được chào mời mở thẻ tín dụng nhiều người sẽ được nghe quảng cáo từ các ngân hàng “sử dụng miễn lãi tối đa 45 ngày”. Tuy nhiên, cũng vì lý do này mà nhiều người đã hiểu nhầm cách thu phí đối với thẻ tín dụng.
Vậy miễn lãi tối đa 45 ngày được hiểu như thế nào?
Tất cả các giao dịch của khách hàng trong 1 tháng (30 ngày) sẽ được chốt ở một thời điểm nhất định để ngân hàng in sao kê các giao dịch của chủ thẻ. Tính từ thời điểm này, khách hàng sẽ có 15 ngày để thanh toán tiền cho ngân hàng.
Khách hàng có thể lựa chọn thanh toán một phần số dư nợ thẻ hoặc toàn bộ số dư kỳ trước. Nhiều chủ thẻ không biết rằng chỉ cần không thanh toán toàn bộ số dư thẻ thì toàn bộ số dư phát sinh của kỳ trước sẽ bị tính lãi với mức lãi suất rất cao. Tùy từng ngân hàng và loại thẻ mà lãi suất thẻ có thể lên đến mức từ 20% - 36%/năm. Đơn cử như Sacombank là 22%/năm; HSBC từ 27,8% - 31,2%/năm; Techcombank 27,8% - 36%/năm...
Như vậy, khách hàng nên cân nhắc cẩn thận giữa hai lựa chọn trên để tránh mất những khoản tiền không đáng có.
Trên đây là một số điểm lưu ý nhằm làm rõ một số các loại phí và cách tính lãi thẻ tín dụng của các ngân hàng, hiểu được những điều này sẽ phần nào giúp khách hàng tự tin và thoải mái hơn khi sử dụng thẻ tín dụng trong các giao dịch thanh toán nhất là các giao dịch liên quan đến ngoại tệ.