|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giấc mơ đi xa của Hanh Silk

10:30 | 14/02/2018
Chia sẻ
Khởi nghiệp với nghề tay trái, cô chủ của thương hiệu Hanh Silk - Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Cơ sở Dệt đũi Nam Cao, Thái Bình bảo, vốn liếng lớn nhất là niềm đam mê với lụa đũi Nam Cao.

Phải là Hanh Silk

Những sản phẩm lụa đũi handmade mềm mại, ấn tượng mang thương hiệu Hanh Silk tại Tuần lễ Hàng Việt Nam tại Bangkok (Thái Lan) hồi tháng 8/2017 thôi thúc tôi tìm đến đại bản doanh của thương hiệu này tại Showroom Các làng nghề truyền thống Hà Nội vào những ngày giáp Tết 2018.

Buổi gặp của tôi với Lương Thanh Hạnh diễn ra ngay trước khi cô chủ của Hanh Silk chuẩn bị làm việc với đối tác Nhật, để bàn đường đưa sản phẩm mới là ga trải giường, rèm cửa… chinh phục thị trường này.

giac mo di xa cua hanh silk
Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Cơ sở Dệt đũi Nam Cao, Thái Bình

Lương Thanh Hạnh chia sẻ tin vui: “Sau 2 kỳ đưa hàng sang Thái thông qua sự kiện Tuần lễ Hàng Việt Nam tại Bangkok , Hanh Silk đã có đơn hàng xuất khẩu đều sang Thái Lan”.

Vậy là bản đồ các thị trường xuất khẩu từ năm 2017 của Hanh Silk đã có thêm Thái Lan, bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Đức. Kết thúc năm 2017, doanh thu tại thị trường Thái đã góp tới 30% trong tổng doanh thu xuất khẩu của Hanh Silk.

“Giá trị xuất khẩu dù chưa thật lớn, nhưng Thái Lan được biết tới là quốc gia có nền tơ lụa phát triển, có danh tiếng rồi, nhưng họ vẫn nhập hàng của Hanh Silk. Hanh Silk phải có dấu ấn rất đặc biệt thì họ mới nhập chứ”, Lương Thanh Hạnh hào hứng.

80% doanh thu của Hạnh Silk có được từ xuất khẩu, chỉ 20% đến từ thị trường nội địa, nên những chuyến đi nối tiếp nhau của Lương Thanh Hạnh để tiếp thị sản phẩm gần như dày đặc. Hạnh kể, sau mỗi chuyến đi “mang chuông đi đánh xứ người” là chuỗi ngày nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của từng thị trường. Hơn thế, không phải chuyến đi nào cũng cho ngay kết quả. Đơn cử như Thái Lan, Hanh Silk mất gần 2 năm miệt mài.

Nhưng Lương Thanh Hạnh vẫn phải tiếp tục đi. Vì cho đến hiện tại, Hanh Silk chưa xuất được bằng thương hiệu riêng sang Thái mà vẫn xuất thô. Kế hoạch đem sản phẩm lụa đũi mang thương hiệu Hanh Silk đường hoàng xuất hiện trên kệ tại các trung tâm thương mại, điểm mua sắm tại Thái Lan đang được Hạnh nung nấu.

Nhiều năm trước, Hạnh đã thực hiện kế hoạch đưa Hanh Silk đến Nhật bằng thương hiệu và xuất xứ của chính mình. Mọi việc khá thành công. Đã 2 năm nay, sản phẩm khăn mặt và khăn tắm tơ tằm Hanh Silk đã đến Nhật. Các mẫu chăn, ga và rèm cửa Hanh Silk cũng đang ngấp nghé thị trường này.

“Tôi muốn phải là Hanh Silk, chứ không phải bất cứ thương hiệu nào trên sản phẩm của mình ở các thị trường nước ngoài”, Lương Thanh Hạnh nói.

Tay trái thành tay thuận

Gần 5 năm trước, thị trường Việt Nam chào đón thương hiệu Hanh Silk, xuất xứ tại làng đũi Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình).

Không như thương hiệu tơ lụa khác, Hanh Silk làm thương hiệu sản phẩm từ gốc, tức là từ kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, đến dệt đũi, nhằm khôi phục làng nghề, đưa lụa đũi Nam Cao trở lại thời hưng thịnh.

giac mo di xa cua hanh silk
Sản phẩm của Hanh Silk đã xuất khẩu sang thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức và Thái Lan

Lương Thanh Hạnh kể, khi đưa ý tưởng khôi phục sản xuất của làng nghề truyền thống và làm thương hiệu xuất khẩu đến với bà con nông dân làng nghề dệt đũi Nam Cao, Hạnh gặp phải không ít sự nghi ngờ. Bà con muốn làm từ lâu, nhưng thị trường không có, làm ra biết bán đi đâu, mà nghề này thì vất vả sớm hôm...

Nhưng rồi, cứ ngày nối ngày, tâm huyết của Hạnh đã được đền đáp, các hộ dân ủng hộ, chung tay mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm và hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng khép kín.

Sau hơn 4 năm, Hanh Silk đã có 2 vùng nguyên liệu, đáp ứng đủ cho đơn hàng xuất khẩu đa dạng, từ vải đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tự nhiên 100% tơ tằm…

Một vùng trồng dâu được phát triển tại Vũ Thư, Thái Bình với diện tích khoảng 700 ha. Một vùng nguyên liệu lớn ngay tại xã Nam Cao. Giai đoạn khôi phục lại làng nghề truyền thống đã tạm ổn, thu nhập của các hộ nông dân chưa nhiều, mới khoảng 2-4 triệu đồng/tháng/hộ, nhưng họ đã nhìn thấy cơ hội của làng nghề.

“Vấn đề còn lại là chất lượng sản phẩm tinh xảo, giá trị cao và khâu marketing và tìm kiếm khách hàng cho các sản phẩm của Hanh Silk. Đây là việc tôi sẽ phải làm quyết liệt trong năm 2018”, Hạnh nói.

Ít ai biết, cô chủ của thương hiệu Hanh Silk sinh năm 1985 này khởi nghiệp với nghề tay trái. Học về du lịch, nhưng khởi nghiệp với ngành nghề nội thất và hiện đang có mối “duyên nợ” với nghề làm lụa đũi.

Rẽ ngang với ngành nghề mới toanh, nhưng Hạnh cũng tự tạo thêm điểm cộng cho mình là thuyết phục được gần như cả nhà, gia đình nội ngoại cùng chung sức với mình trên hành trình khởi nghiệp.

“Tôi hạnh phúc khi có một ngày, khi nhắc tới Hanh Silk là khách hàng đã biết tới đũi của Nam Cao. Đó là nỗ lực không chỉ một mình tôi, mà là công sức của mọi người đang gắn bó với Hanh Silk, giúp cho đũi Nam Cao vươn xa hơn không chỉ ở Việt Nam, mà ra cả thế giới”.

Muốn chinh phục khách hàng trả giá cao

Những ngày đầu năm 2018, thị trường nội địa đón một “làn gió mới” từ bộ sưu tập khăn đũi vẽ tay cao cấp từ Hanh Silk.

Hạnh bảo, đây là dòng khăn đũi tơ tằm tự nhiên, nhưng được họa sỹ vẽ trực tiếp trên vải để tạo nét độc đáo riêng cho khăn.

Tuy nhiên, bộ sưu tập khăn lần này được vẽ bởi các màu sắc mang tông ấm trầm và được sản xuất theo phiên bản giới hạn, mỗi mẫu chỉ một chiếc, không trùng lặp nét vẽ, không trùng lặp ý tưởng, màu sắc.

“Bộ sưu tập mới được tung ra để đánh vào phân khúc cao cấp, hướng đến khách hàng châu Âu, những khách hàng ưa sự độc đáo và là điểm nhấn để thương hiệu Hanh Silk có được những đơn hàng từ châu Âu trong năm nay”, cô chủ của Hanh Silk giới thiệu.

Một điều ấn tượng nữa là sản phẩm khăn đũi vẽ tay đều có màu tự nhiên, không sử dụng bất cứ hóa chất nào trên vải.

“Tôi muốn chinh phục một bộ phận khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm tinh xảo, có giá trị, sẵn sàng chi trả cao, chứ không chỉ đơn thuần chạy theo số lượng”, Hạnh nói.

Đây là lý do mà thương hiệu Hanh Silk đã xây dựng chuỗi sản xuất theo hướng sản phẩm đều đạt chuẩn Organic, nguyên liệu được đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, thiết kế tinh xảo, độc và lạ.

Tất nhiên, xác định đánh vào phân khúc “xương xẩu” thì có thể mình đi sẽ chậm hơn, nhưng với cách làm mà Hanh Silk đang đi, thì mỗi viên gạch được xây lên, sẽ thật bền vững. Hạnh đã xác định thế.

Hạnh cũng đang kỳ vọng với dòng sản phẩm bộ ga gối và rèm cửa lụa, đánh vào thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm nội thất cao cấp, đòi hỏi nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng. Đây là thị trường có nhu cầu lớn, khả năng chi trả cao nhưng khó chinh phục.

Cũng phải nhắc lại, năm 2017, thị trường lụa tơ tằm trong nước bị chao đảo bởi sự nhập nhèm về xuất xứ trong kinh doanh của một số doanh nghiệp quy mô lớn. Nhưng với Hạnh, đây là thời cơ “vàng” để Hanh Silk đón thêm khách hàng khó tính tìm đến, trực tiếp khảo sát quy trình sản xuất tại chính làng nghề Nam Cao...

Trong số này, có những quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tài chính đã tìm đến, muốn làm ăn với Hanh Silk. Dẫu vậy, cô chủ của Hanh Silk lại có quan điểm rất rõ ràng, muốn làm lớn hơn, rất cần thêm vốn, nhưng nếu không chung quan điểm phát triển thương hiệu sẽ không thể đi đường dài.

“Tôi muốn tìm một đối tác có tâm trong kinh doanh, để cùng phát triển làng nghề truyền thống Nam Cao để người dân có được đời sống tốt từ chính nghề của mình, đưa được thương hiệu Hanh Silk lên tầm vóc cao hơn và được thế giới biết đến, với giá trị xuất khẩu xứng tầm hơn”, Lương Thanh Hạnh chia sẻ.

Hải Yến