Giá thủy sản xuất khẩu có thể giảm trong năm 2018
Trung Quốc - Miền đất hứa của nông thủy sản xuất khẩu Việt | |
Mỹ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam | |
Cá tra Việt chuyển dần sang thị trường châu Á |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I/2018 đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đạt khoảng 700 triệu USD, tăng 18%; cá tra đạt 418 triệu USD, tăng 15%.
Giá thủy sản xuất khẩu có thể giảm trong năm 2018 |
VASEP cho biết năm 2018 sẽ có nhiều yếu tố tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, điển hình là chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ. Đồng thời, nước này cũng áp thuế chống bán phá giá tôm - cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Ecuado…gia tăng khiến giá xuất khẩu giảm nhẹ với năm 2017.
Mặc dù vậy, ngành thủy sản tỏ ra khá tự tin khi đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2018. Trong đó, mặt hàng tôm tiến tới mục tiêu 4,8 tỷ USD, tăng 26%, cá tra 2 tỷ USD, tăng 10% và các mặt hàng hải sản đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22%.
Những hiệp định thương mại tự do (FTA) được cho là động lực chính giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủy sản. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ được phê chuẩn vào tháng 6/2018 sẽ tạo thuận lợi cho nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này trong đó có thủy sản. Bên cạnh đó, nếu vấn đề thẻ vàng IUU được khắc phục thì không chỉ tôm mà các mặt hàng hải sản sản khác sẽ có cơ hội tăng thị phần tại EU.
Ngoài ra, FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang tác động tích cực hỗ trợ xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 242,8 triệu USD tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, một số nước đối thủ gặp khó khăn được coi là cơ hội cho các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Việc Thái Lan ngừng nhập khẩu tôm Ấn Độ ảnh hưởng không chỉ Ấn Độ mà còn làm nước này giảm nguồn cung nguyên liệu cho chế biến. Ngoài ra, Ấn Độ đang phải chịu tần suất kiểm tra 50% các lô tôm xuất khẩu sang EU và có nguy cơ bị cấm xuất khẩu sang thị trường này. Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu tôm với mục tiêu 10 tỷ USD năm 2025, đóng góp 10% GDP.
Trung Quốc không còn là thị trường tiêu thụ hàng chất lượng thấp
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định các thách thức còn tồn tại cũng rất lớn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu cá tra theo tiểu ngạch sang Trung Quốc và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Hòe, hiện Việt Nam đạt hơn 52% xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, và hơn 44% xuất khẩu tiểu ngạch, chênh lệch giá giữa hai loại xuất khẩu là khoảng 1 USD/kg.
Việc không quản lý chặt chẽ chất lượng cá tra xuất khẩu đi Trung Quốc đang được gia công chế biến sẽ gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu khác, khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và chất lượng cá tra.
Quan trọng hơn, Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà đã chú trọng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vì vậy xuất khẩu cá tra tiểu ngạch chắc chắn sẽ làm tổn hại tới hình ảnh về sản phẩm Việt Nam trong mắt người tiêu dùng nội địa Trung Quốc.
Cuối năm 2017, tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc đã đang tải bài viết đặt ra quan ngại về chất lượng cá tra Việt Nam, đồng thời đề cập đến hiện tượng nhiều cá nhân người Trung Quốc liên quan đến hoạt động buôn lậu cá tra.
“Để đạt mục tiêu xuất khẩu cá tra gần 2 tỷ USD, Việt Nam cần tránh việc phụ thuộc vào một thị trường nhất định, cạnh tranh không lành mạnh và cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất và xuất khẩu cá tra", ông Trương Đình Hòe nói.
Để giải quyết vấn đề này, ông Hòe kiến nghị chính phủ xem xét thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc chứng thư chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất khẩu. Đồng thời tiến hành kiểm tra điều kiện sản xuất các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản để tránh tình trạng cơ sở không có đăng ký nhưng vẫn gia công xuất khẩu cho Trung Quốc.