Giá thép Trung Quốc tăng do thị trường phản ứng quá mức đối với việc cắt giảm sản lượng
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong cuộc họp nội bộ tổ chức ngày 9/8, Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) và các doanh nghiệp thành viên đều nhận định rằng việc giá thép nước này tăng mạnh gần đây do thị trường đang phản ứng quá mức đối với tác động quyết định đóng cửa các lò cảm ứng gây ô nhiễm môi trường nhằm làm sạch không khí và cắt giảm công suất trong năm nay.
Theo đó, CISA nhận định "Việc tăng giá thép gần đây không phải là do nhu cầu gia tăng hoặc nguồn cung giảm mà chỉ là sự phóng đại hoặc thậm chí có sự hiểu sai lệch về một số vấn đề như cắt giảm công suất thép dư thừa, ngừng lò cảm ứng và nỗ lực kiểm soát ô nhiễm”.
Hôm 7/8, hợp đồng thép thanh vằn tháng 1/2018 giao dịch nhiều nhất tại Sàn Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange), tăng 154 RMB (nhân dân tệ)/tấn (tương đương 23 USD/tấn) lên 3.928 RMB/tấn (mức cao nhất kể từ tháng 3/2013) và Platts đánh giá giá giao ngay thép thanh vằn HRB400 đường kính 18-25mm ở Bắc Kinh đạt mức cao nhất trong 5 năm qua ở mức 4.040-4.060 RMB/tấn.
Dẫn lời truyền thông Trung Quốc, Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay nguồn cung thép của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong những tháng tới – được cho là dẫn đến giá thép trong nước “tăng vọt” – là một chiều, làm tăng nghi ngờ rằng động cơ đầu cơ là để tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường tương lai.
CISA trích dẫn sự cân bằng tổng thể trong cung và cầu thép trong nửa đầu năm 2017 như là một ví dụ xác nhận việc đóng lò nung cảm ứng đã không gây ra bất kỳ tình trạng khan hiếm nguồn cung thép nào. Các doanh nghiệp hiện tại đã có thể lấp đầy khoảng trống bằng cách tăng sản lượng của họ, giúp ổn định thị trường.
Hơn nữa, sự cường điệu và nhấn mạnh quá mức vào mối lo ngại nguồn cung có thể tác động tiêu cực đến nỗ lực của chính quyền để loại bỏ công suất dư thừa, CISA cảnh báo. Ngoài ra, các nhà sản xuất thép Trung Quốc có thể cuối cùng cũng sẽ bị tổn thương khi giá thép tăng đáng kể sẽ dẫn đến việc tăng giá nguyên liệu thô và vật liệu bổ sung song song sẽ ăn vào lợi nhuận của nhà máy.
Cuộc thảo luận gần đây về sản lượng thép tại 26 thành phố ở các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Shanxi và Sơn Đông, và các thành phố của Bắc Kinh và Thiên Tân bị giảm đi một nửa trong những ngày sương mù trong những tháng mùa đông sắp tới sẽ hiểu sai về thực tế, theo CISA. “Không có nghĩa là giảm 50% sản lượng thép thành phẩm.”
Trước đó, báo chí đưa tin, Trung Quốc cắt giảm khoảng 120 triệu tấn thép chất lượng thấp trong nửa đầu năm nay nhằm giải quyết tình trạng thừa sản lượng, đồng thời đối phó với ô nhiễm môi trường.
Thép của Trung Quốc chiếm tới một nửa sản lượng thép của toàn thế giới. Tuy nhiên, chính vì quy mô khai thác và sản xuất thép quá lớn nên quốc gia này đang phải đối mặt tình trạng thừa thép gấp tới 4 lần sản lượng khai thác của Mỹ.
Riêng tỉnh Hà Bắc- nơi được mệnh danh là thủ phủ ngành thép, có tới 104 nhà máy chiếm 1/4 sản lượng Trung Quốc. Tỉnh này cam kết cắt giảm sản lượng tới 31,17 triệu tấn đến hết năm 2017 và 49,13 triệu tấn vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy thép tại thành phố Langfang và Zhangjiakou.
Tổng cục Giám sát và Kiểm tra Chất lượng và Kiểm dịch cho biết đối với các nhà máy bị phát hiện sản xuất thép chất lượng thấp có thể sẽ bị tước giấy phép sản xuất nếu không cải thiện chất lượng sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Kết quả cuộc điều tra sẽ được đưa ra trong tháng 8 tới.
Không chỉ thép mà ngành nhôm của Trung Quốc cũng phải hứng chịu đợt cắt giảm sản lượng do hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Hồi tháng 4, Hội đồng Nhà nước cho biết các công ty tại 28 thành phố cần phải cắt giảm hơn 30% công suất sản xuất nhôm.