[Giá nông sản tuần 18]: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu dứt chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp
Điểm lại thị trường cà phê tuần qua
Tuần này, giá cà phê trong nước vẫn biến động thất thường, với biên độ dao động vẫn thấp. Điểm đáng chú ý là, mặc dù giá robusta thế giới trong tuần qua bất ngờ tăng mạnh lên cao nhất 5 tháng rưỡi và vượt mốc 1.800 USD/tấn vào ngày 1/5, giá cà phê trong nước vẫn không lên nổi ngưỡng 38.000 đồng/kg.
Chốt tuần này, giá cà phê trong nước dao động trong khoảng 36.700 – 37.200 đồng/kg, giảm 100 – 200 đồng/kg so với đầu tuần.
Phiên tăng mạnh này của robusta đã kích thích làn sóng đặt lệnh buy-stop (lệnh chờ mua). Đây là diễn biến rất bất ngờ đối với thị trường bởi hiện không có yếu tố cơ bản nào có thể tạo ra động lực tăng mạnh mẽ như vậy.
Tuy nhiên,trong những phiên giao dịch sau đó, giá cà phê có xu hướng “giảm nhiệt” vì một số nhà đầu tư nhanh tay chốt lời.
Trong khi thị trường robusta lên xuống thất thường thì sàn arabica ghi nhận đà phục hồi khá mạnh mẽ lên cao nhất hai tháng rưỡi trong ngày 1/5, nhờ giới đầu cơ chốt các vị thế bán.
Tính đến hết ngày khóa sổ mới nhất 24/4, sàn cà phê arabica thoát bớt dư bán từ mức kỷ lục cũ là 70.577 lô xuống còn 59.134 lô. Sàn cà phê robusta giảm lượng dư bán 3.995 lô so với một tuần trước đó còn 14.328 lô.
Theo dự đoán, giá arabica sẽ giữ đà tăng tốt bởi giới đầu cơ còn thoát thêm khoảng 6.000 lô để quay về mức 55.000 lô. Tuy nhiên, mức tăng của arabica vẫn bị hạn chế bởi đồn đoán các doanh nghiệp Brazil sẽ sớm giải phóng mạnh nguồn cung vụ mới ra thị trường, đặc biệt là khi đồng real đang suy yếu. Hiện tại, thời tiết tại Brazil đã trở nên nắng ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn quả cà phê chín cũng như công tác thu hoạch.
Mặc dù chốt tuần bằng một đợt giảm nhẹ, giá robusta và arabica đều đang ở mức khá cao và trên ngưỡng hỗ trợ tích cực (1.800 USD đối với robusta và 1,2 USD đối với arabica). Nếu có thể duy trì trên các ngưỡng này, giá cà phê robusta và arabica vẫn có động lực để lên cao hơn nữa trong thời gian tới.
Tuần này, thị trường cà phê cũng chịu ít tác động từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bởi các nhà hoạch định chính sách Mỹ quyết định không nâng lãi suất trong tháng này.
Hơn nữa, cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng kết thúc mà không đem lại thỏa thuận nào đáng kể.
Điểm lại thị trường hồ tiêu tuần qua
Chốt tuần này, giá hồ tiêu trong nước dao động trong khoảng 59.500 – 62.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 - 2.000 đồng so với đầu tuần.
Trước đó, giá hồ tiêu trong nước đã tăng 7.000 đồng/kg trong tháng 4, Bộ Nông nghiệp cho biết. Giá tăng một phần do các thương lái đẩy mạnh thu mua tiêu để chế biến. Bên cạnh đó, gần đây nhiều nhà buôn, đầu cơ đã chuyển sang buôn hồ tiêu thay cho cà phê cũng thúc đẩy nhu cầu mua cao hơn, đẩy giá tiêu tăng lên.
Tại Ấn Độ, giá hồ tiêu nhìn chung giữ xu hướng giảm trong tuần qua. Dù lệnh cấm bán hồ tiêu dưới mức 500 rupee/kg đã được áp dụng, giá tiêu tại thị trường vẫn giảm vì hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Sri Lanka. Nếu kịch bản này vẫn tiếp diễn, ngành công nghiệp hồ tiêu Ấn Độ có thể sẽ chịu những tổn thất đáng kể trong những tháng tới.
"Nếu các biện pháp hiện tại không giúp kiểm soát giá hồ tiêu, thì chính phủ nên cấm nhập khẩu hạt tiêu bằng cách đưa nó vào danh sách loại trừ," ông Anil Savur D, Thư ký của Hiệp hội người trồng tiêu Karnataka (KPA) nói.