|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo xuất khẩu Thái Lan và Việt Nam lập đỉnh nhờ nhu cầu tăng mạnh

13:30 | 09/06/2017
Chia sẻ
Giá gạo tại Thái Lan đã chạm mức cao nhất trong gần 4 năm qua trong khi giá gạo của Việt Nam cũng có mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm nhờ nhu cầu cao từ một số nước nhập khẩu chủ chốt.
 
gia gao xuat khau thai lan va viet nam lap dinh nho nhu cau tang manh
Nhu cầu tăng cao từ các ớớc nhập khẩu chủ chốt đẩy giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam tăng cao (Nguồn: Bangkokpost.com)

Theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được bán với giá 440-457 USD/tấn FOB Bangkok, tăng từ mức 430 USD/tấn hồi tuần trước.

Giá gạo của Thái Lan đã duy trì đà tăng ổn định kể từ tháng 3 và giá trong tuần này được cho là tăng cao nhất kể từ tháng 8/2013.

Một nhà giao dịch ở Bangkok nói rằng: “Lượng đặt hàng từ nước ngoài vẫn liên tục và các nhà xuất khẩu trong nước vẫn đang gom hàng để đáp ứng cho đơn hàng xuất khẩu”. Các nhà xuất khẩu hiện đang phải mua gạo với giá cao hơn nhiều so với hợp đồng đã được chốt từ trước, trong khi một số khác thì chưa dám đặt mua mới.

Thái Lan đã xuất khẩu được 5,09 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ chính phủ công bố vào hôm thứ tư (7/6) cho hay.

Trong khi đó, tại Việt Nam, loại gạo 5% tấm được bán với giá 395-400 USD/tấn FOB Cảng Sài Gòn, tăng từ mức 390 USD/tấn tuần trước, đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.

Theo nhận định của các nhà giao dịch cũng như các nhà xuất khẩu, giá gạo Thái Lan và Việt Nam, hai quốc gia sản xuất gạo thứ 2 và thứ 3 trên thế giới, sẽ còn tăng nữa nhờ nhu cầu từ các quốc gia nhập khẩu ngũ cốc chủ chốt.

Được biết, Bangladesh chuẩn bị nhập 250.000 tấn gạo từ Việt Nam theo thỏa thuận giữa chính phủ hai nước, một phần trong nỗ lực xây dựng kho dự trữ gạo chiến lược mà hiện đang ở mức thấp trong 10 năm của Bangladesh, đồng thời cũng để kìm chế giá gạo trong nước tăng cao kỷ lục sau khi các đợt lũ lụt làm giảm sản lượng ở nước này.

Ataur Rahman, một lãnh đạo Bộ thực phẩm Bangladesh cho biết: “Thỏa thuận này sẽ hoàn tất vào tuần tới”.

Theo Reuters, kỳ vọng giá còn tăng, giới thương nhân Việt Nam hiện đang "găm hàng" để chờ giá cao hơn. Một nhà giao dịch ở TP.HCM cũng khẳng định: “Hầu hết các nhà giao dịch tư nhân và nông dân hiện đang găm trữ gạo để chờ giá cao”.

Bangladesh cũng đang có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam lên 500.000 tấn vào cuối năm 2017 và sẽ nâng lên bình quân 1 triệu tấn cho đến năm 2022. Quốc gia này cũng đang đàm phán với Thái Lan và Ấn Độ để nhập gạo.

Philippines mới đây cũng cho biết họ sẽ tổ chức đấu thầu trong tháng tới để nhập khẩu 250.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam, có thể là cả Ấn Độ.

Tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá loại gạo đồ 5% tấm đã tăng 2 USD lên 415-418 USD/tấn.

Một nhà xuất khẩu ở Kakinada, bang Andhra Pradesh cho biết: “Trong mấy tuần qua, nhu cầu từ các khách hàng châu Phi rất lớn. Giá tăng nhanh nên nhiều khách hàng cũng tăng đặt hàng. Ở các mức giá hiện tại, xuất khẩu của Ấn Độ vẫn rất cạnh tranh bất chấp đồng rupee mạnh lên."

Đồng rupee Ấn Độ đã tăng gần 5% từ đầu năm đến nay và giao dịch gần ở mức cao nhất trong vòng 21 tháng. Xuất khẩu gạo khác, ngoài basmati của Ấn Độ trong tháng 4 giảm 18,5% so với tháng 4/2016 xuống còn 475.050 tấn do ảnh hưởng bởi đồng rupee tăng giá.

Mai Vũ

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD.