|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá đường sẽ xuống thấp nhất trong nhiều năm?

15:39 | 22/12/2017
Chia sẻ
Nguồn cung tăng mạnh trên toàn cầu trong khi nhu cầu chỉ tăng nhẹ, khiến cho giá đường thế giới niên vụ 2017/2018 giảm mạnh. Điều đó khiến cho việc tiêu thụ đường ở Việt Nam trở nên khó khăn và giá cũng giảm xuống thấp.
gia duong se xuong thap nhat trong nhieu nam
Giá đường sẽ xuống thấp nhất trong nhiều năm?

Tổ chức Đường Thế giới (ISO) vừa đưa ra dự báo mới, theo đó sản lượng đường thế giới trong niên vụ 2017/2018 sẽ tăng mạnh so niên vụ 2016/2018. Cụ thể, sản lượng đường niên vụ này được dự báo sẽ đạt khoảng 179,488, cao hơn tới 11,115 triệu tấn so niên vụ trước (tăng 6,6%). Trong khi đó, lượng đường tiêu thụ trên toàn cầu dự kiến chỉ tăng thêm 2,927 triệu tấn (tăng 1,7%) và đạt 174,414 triệu tấn. Do đó, lượng đường dư thừa trong niên vụ 2017/2018 dự kiến sẽ ở mức trên 5 triệu tấn.

Đây là điều trái ngược hoàn toàn so với niên vụ 2016/2017, bởi trong niên vụ đó, sản lượng đường thấp hơn nhu cầu tiêu thụ tới 3,105 triệu tấn. Với nguồn cung dự kiến sẽ cao hơn nhiều so với cầu, giá đường thế giới trong niên vụ 2017/2018 sẽ khó có thể hồi phục và tiếp tục ở mức thấp.

Tại các phiên giao dịch trên sàn London đầu tháng 12, giá đường trắng liên tục giảm. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 1/12, giá đường trắng giao tháng 3/2018 là 388,9 USD/tấn. Đến phiên ngày 13/12, chỉ còn 363,9 USD/tấn. Những mức giá này thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên dưới 500 USD/tấn hồi tháng 12 năm ngoái.

Tình hình đó đã tác động không nhỏ tới việc tiêu thụ cũng như giá đường trong nước. Trong nửa đầu tháng 12, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội chỉ còn từ 13.000-13.500 đ/kg, ở Miền Trung từ 13.000-13.100 đ/kg, ở TP HCM từ 12.700-13.600 đ/kg. So với tháng 12/2016, giá bán buôn đường kính trắng nửa đầu tháng 12 này đã giảm tới gần 4.000 đ/kg.

Giá đường nội địa xuống thấp, giá đường nhập lậu từ Thái Lan cũng tiếp tục xuống thấp hơn nữa. Vào ngày 13/12, giá đường Thái Lan tại cửa khẩu Lao Bảo chỉ còn 12.000 đ/kg, tại Đông Hà 12.400 đ/kg, tại biên giới Tây Nam 12.000 đ/kg và tại TP HCM 12.300 đ/kg. Điều đó tiếp tục khiến cho việc tiêu thụ đường do các nhà máy trong nước sản xuất gặp khó khăn. Đến giữa tháng 12, lượng đường còn tồn kho ở các nhà máy là 231.316 tấn, cao hơn 51.064 tấn so với lượng đường tồn kho đến cuối tháng 12/2016; lượng đường tồn kho tại các công ty thương mại là 29.766 tấn, cao hơn 21.693 tấn so với tồn kho cuối tháng 12 năm ngoái.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng việc tiêu thụ đường sẽ còn gặp nhiều khó khăn giá đường có thể sẽ xuống tới mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trước tình hình đó, BCH Hiệp hội đã đề nghị các nhà máy thành viên thực hiện các giải pháp như có giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài để ứng phó, thích ứng với điều kiện hội nhập khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực; sớm hoàn thành các dự án đầu tư đầu tư mới hoặc di dời và mở rộng công suất, dự án đầu tư điện sinh khối, để đi vào hoạt động phát huy công suất và hiệu quả đầu tư; tiếp tục mở rộng diện tích mía có hợp đồng tiêu thụ dưới hình thức hợp đồng đầu tư, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ và chia sẻ lợi ích giữa nhà máy và người trồng mía...; tổ chức triển khai thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng mía, bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình đánh giá chất lượng mía ...

Đặc biệt, BCH Hiệp hội Mía đường đề nghị các nhà máy căn cứ giá do Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo (đảm bảo mức tối thiểu giá 1 tấn mía nguyên liệu 10 CCS tại ruộng tương đương với giá 60 kg đường trắng loại 1, trước thuế VAT, tại kho nhà máy) để xem xét điều chỉnh giá 1 tấn mía nguyên liệu 10 CCS tại ruộng tương đương với giá 70 kg đường trắng loại 1, trước thuế VAT, tại kho nhà máy.

Điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất mía đường

Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương về việc điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất được vụ 2017/2018.

Theo đó, trong thời gian qua, mưa lũ và bão đã liên tục xảy ra ở các tỉnh Khu 4 cũ, Duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành mía đường nói riêng.

Tình hình bão, lũ lụt ảnh hưởng tới sản xuất mía đường như sau: Diện tích giảm 0,7% (so với kế hoạch dự kiến đầu vụ); năng suất bình quân giảm 0,65%; sản lượng mía giảm 1,2%; sản lượng đường giảm 4,8%.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã điều chỉnh lại kế hoạch (dự kiến) sản xuất mía đường vụ 2017/2018 như sau: Diện tích mía là 255.354 ha; năng suất 63,33 tấn/ha; chữ đường 9,8 CCS; sản lượng mía 15,5 triệu tấn; sản lượng đường 1,475 triệu tấn. Giá mua mía nguyên liệu: tuy giá đường có giảm nhiều so niên vụ 2016/17, nhưng các nhà máy đường vẫn giữ ổn như niên vụ 2016/17 từ 830-1.150 đ/kg tại ruộng. Như vậy, so với kế hoạch ban đầu, sản lượng đường vụ 2017/2018 dự kiến sẽ giảm 75.775 tấn.

Sơn Trang