Giá cà phê hôm nay (11/3) ghi nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp
Diễn biến giá cà phê tuần qua
Tuần này, thị trường cà phê nguyên liệu diễn biến khá thất thường, nhưng từ giữa tuần lại cho thấy khả năng phục hồi khá tốt, khi thị trường cà phê thế giới điều chỉnh giá sau một đợt giảm sâu. Tính đến cuối tuần này, giá cà phê nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên đều chạm hoặc vượt ngưỡng 37.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 37.000 – 37.500 đồng/kg.
Nhìn chung, thị trường robusta thế giới nói chung và cà phê trong nước nói riêng vẫn đang chịu áp lực giảm vì nguồn cung trên thế giới ngày càng dồi dào, các quỹ đầu tư vẫn giữ nhiều vị thế ngắn hạn và hứng thú mua hàng thực còn hiếm.
Các quỹ đều dự báo rằng, cả Việt Nam và Brazil đều sẽ bội thu trong năm nay. Các nhà đầu cơ khác dường như có hứng thú mua vào nhưng chưa tìm được lý do thuyết phục.
Mặc dù một số tổ chức đã hạ dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong tuần qua nhưng đây vẫn là mức cao nhất trong 8 năm qua của nước này. Ngân hàng Rabobank hạ dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2018 – 2019 xuống còn 56,8 triệu bao 60kg. Viện thống kê IBGE của Brazil cũng hạ dự báo sản lượng cà phê của Brazil xuống còn 53 triệu bao trong năm 2018.
Về giá cả, Ngân hàng SocGen cho rằng: “Phần lớn tin tức tiêu cực liên quan đến khả năng dư cung trong niên vụ 2018 – 2019 đã được phản ánh vào diễn biến giá hiện nay. Tuy nhiên, mức giảm tiềm năng của giá cà phê sẽ không lớn vì thời tiết diễn biến bất lợi và nông dân giảm lượng hàng bán ra.” Theo đó, SocGen dự báo giá arabica sẽ đạt 1,3 USD/pound và giá robusta sẽ đạt 1.764 USD/tấn vào cuối năm 2018.
Diễn biến giá hồ tiêu tuần qua
Trái ngược với thị trường cà phê tuần qua, thị trường hồ tiêu giữ xu hướng ổn định trong những ngày đầu tuần, trước khi giảm nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg vào cuối tuần. Giá hồ tiêu trong nước hiện đang ở mức thấp kỷ lục, dao động trong khoảng 59.000 – 62.000 đồng/kg.
Mặc dù giá hồ tiêu xuống thấp nhưng nông dân ở Tây Nguyên, chủ yếu là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai,… vẫn tiếp tục tự phát mở rộng diện tích cây hồ tiêu, Báo Dân tộc và Miền núi cho biết. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích tiêu trồng mới nhiều nhất với trên 5.500 ha trong tổng khoảng 16.207 ha hồ tiêu được trồng mới tại đây.
Nguyên nhân khiến nông dân Tây Nguyên tiếp tục mở rộng diện tích dù giá thấp là, lợi nhuận từ trồng tiêu vẫn cao gấp nhiều lần so với một số loại cây công nghiệp dài ngày khác như cà phê, điều.