|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GDP Mỹ năm 2020 giảm 3,5%, tồi tệ nhất hơn 7 thập kỷ

15:10 | 29/01/2021
Chia sẻ
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Mỹ đã giảm 3,5% trong năm 2020. Đây là kết quả xấu nhất kể từ Thế chiến II và cũng là năm đầu tiên GDP giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009.

Theo số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 28/1, so với cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 4% trong quý IV/2020, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kỷ lục 33,4% trong quý III.

Một phần nguyên nhân là do chính quyền cựu Tổng thống Trump chần chừ không công bố một gói giải cứu COVID-19 khác cũng như không thể xử lý tình trạng gián đoạn trong hoạt động kinh doanh.

Tính chung cả năm 2020, nền kinh tế Mỹ mất 3,5% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1946 và cũng là lần đầu tiên GDP hàng năm của Mỹ giảm kể từ cuộc Đại Suy thoái (2007 - 2009). Năm 2019, Mỹ ghi nhận tăng trưởng kinh tế là 2,2%.

Năm 2020 nền kinh tế Mỹ giảm 3,5%, tồi tệ nhất trong 74 năm - Ảnh 1.

Gần như trong mọi lĩnh vực, ngoại trừ chi tiêu chính phủ và thị trường nhà ở, đều giảm vào năm ngoái. Chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm 2/3 nền kinh tế, giảm 3,9%. Đây là kết quả u ám nhất kể từ năm 1932. Mỹ chính thức rơi vào suy thoái vào tháng 2 năm ngoái.

Dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi, song tốc độ đã chững lại đáng kể khi năm 2020 khép lại với đại dịch bùng phát dữ dội trên khắp cả nước và gói kích thích tài khóa 3.000 tỷ USD dần cạn kiệt. Tình trạng này có thể kéo dài ít nhất đến quý I/2021 và nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ quay lại mức trước đại dịch vào quý II.

Năm 2020 nền kinh tế Mỹ giảm 3,5%, tồi tệ nhất trong 74 năm - Ảnh 2.

Reuters nhận định, triển vọng của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào việc phân phối vắc xin ngừa COVID-19. Tổng thống Joe Biden đã công bố đề xuất giải cứu mới trị giá 1.900 tỷ USD, tuy nhiên một số nhà lập pháp lại phản đối vì cuối năm ngoái, Washington vừa thông qua gói cứu trợ bổ sung 900 tỷ USD.

Ông Brian Deese, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, cho biết báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh việc Quốc hội cần phải nhanh chóng phê chuẩn gói giải cứu của ông Biden. Ông Deese cảnh báo, cái giá khi từ chối hành động là rất lớn.

"Nếu không xúc tiến đề xuất của Tổng thống Biden, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế, khiến người dân Mỹ khó quay lại làm việc và tự lực kiếm sống", ông Deese nhận định.

Hôm 27/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn gần mức 0 và cam kết tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu.

Khả Nhân