Gánh nặng vốn dự án BOT 'trên vai' ngân hàng
|
Ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm trên tại Hội thảo Khoa học Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước được tổ chức vào sáng nay (15/9) tại Hà Nội.
Theo ông Kiên, sẽ là sai lầm nếu Nhà nước đứng ra bảo lãnh để cho nhà đầu tư vay tiền từ các tổ chức tín dụng thực hiện dự án BOT. Ông cho biết, các nhà đầu tư BOT thường là những nhà tư bản có nguồn vốn lớn nhưng mảng đầu tư trong lĩnh vực của họ đang bão hoà về khả năng thu lợi nhuận nên chuyển sang các dự án BOT.
Trong khi đó, hiện nay, vốn từ các ngân hàng chiếm 80 - 90% tổng vốn thực hiện dự án BOT. như vậy, các chủ dự án có số vốn thực tế rất ít trong các dự án đầu tư này.
Ví dụ, dự án xây dựng nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có 87% vốn thực hiện đi vay. Tổng mức đầu tư của dự án này là 6.731 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm chỉ 881,8 tỉ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay 22 trong số 150 dự án BOT đang vay vốn ngân hàng đang chậm tiến độ. Một số dự án phải dừng thi công do năng lực tài chính của nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết.
"Việc cho vay với lượng vốn lớn, dài hạn sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối nguồn vốn, tiềm ẩn rủi ro thanh toán, dễ dẫn tới nợ xấu ngân hàng" - bà Phạm Thị Vân Anh đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ. Hơn nữa, tài sản đảm bảo cho các dự án BOT, BT chủ yếu là các công trình hình thành từ vốn vay nên rất khó định giá, gây khó khăn trong thu hồi vốn và sử dụng tài sản đảm bảo.
"Chủ đầu tư mà tiền vốn ban đầu do Nhà nước bảo lãnh, đầu ra cũng do Nhà nước bảo lãnh nữa thì lỗ thế nào được" - ông Nguyễn Đức Kiên nhận xét.
Trong khi đó, theo ông Kiên, phải hiểu rõ vai trò của từng bên. Bản chất dự án BOT là một hợp đồng kinh tế do Nhà nước kí với đối tác là doanh nghiệp. Nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện các công trình và được quyền thu phí để hoàn vốn theo hợp đồng thỏa thuận dưới sự ủy quyền của Nhà nước.
Ông cho rằng, các khâu phê duyệt dự án, lập dự toán, báo cáo tài chính tiền khả thi hay kiểm tra, thanh tra và đánh giá là công việc của các cơ quan quản lý Nhà nước.
"Tại sao dự toán tổng mức đầu tư cao tốc Việt Nam tính trên từng mét đường đắt hơn ở Mỹ và Ả rập? Vì cơ quan Nhà nước không đi đến cùng các nghiên cứu khoa học nên không có câu trả lời xác đáng, do đó người dân không đồng tình với dự án BOT" - ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.