Gần 70% thịt bị nhiễm vi khuẩn salmonella: 'Đã có kế hoạch tăng cường thanh kiểm tra'
70% mẫu thịt ở TP HCM nhiễm khuẩn hại đường ruột: 'Đó là con số rất khủng khiếp' |
Thời gian bắt đầu từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017, nhóm nghiên cứu đã mua 117 mẫu thịt gà, bò, lợn từ các điểm siêu thị và chợ truyền thống trong thành phố. Kết quả phân tích vừa được công bố cho thấy 80 mẫu thịt (68,4%) bị nhiễm vi khuẩn salmonella.
Đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm (QLATTP) cho biết chưa được thông tin về vấn đề này và hiện đang liên hệ để lấy thông tin chính xác từ phía Oucru - nhóm Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford.
Trước những thông tin trên, Ban QLATTP đã có kế hoạch tăng cường thanh kiểm tra bảo đảm ATVSTP trong thịt. Cụ thể, khâu giết mổ do Nông nghiệp phụ trách, khâu phân phối, sử dụng do Ban ATTP phụ trách.
Chương trình đánh giá nguy cơ (do phòng Quản lý chất lượng và Quản lý ngộ độc phụ trách) đang và sẽ tiếp tục các đánh giá khảo sát liên quan đến các vấn đề trên.
Tăng cường thanh kiểm tra bảo đảm ATVSTP trong thịt. |
Trước đó, ngày 26/1/2018 tại văn phòng Thế Giới Tiếp Thị (TP. HCM) Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đặt tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy gần 70% mẫu thịt gia súc, gia cầm tại TP. HCM nhiễm vi khuẩn gây hại đường ruột. Nhóm nghiên cứu tiến hành thu mua thịt tại 10 quận trên địa bàn TP.HCM, mẫu thí nghiệm thu mua bất kì tại 2 chợ và 2 siêu thị/quận để tiến hành nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài này với mục tiêu khảo sát tỷ lệ thịt có tồn dư kháng sinh ở TP. HCM, Hà Nội và Đồng Tháp; khảo sát tỷ lệ thịt nhiễm khuẩn Salmonella không gây thương hàn (non-typhoidal Salmonella) và tình hình kháng kháng sinh của vi khuẩn này ở TP. HCM; định lượng nồng độ vi khuẩn Salmonella không gây thương hàn trong thịt tại TP. HCM.
Theo chị Nguyễn Thị Nhung – nghiên cứu sinh T.S về vi sinh học tại OUCRU, tác giả chính nghiên cứu trên cho biết: “Sau khi có kết quả nghiên cứu, chúng tôi tiến hành đăng tải trên tạp chí khoa học và các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố. Nhóm vẫn đang tiến hành kiểm tra tồn dư kháng sinh trong thịt gà cho một số trại tham gia dự án ViParc, giúp người dân nuôi gia súc cầm khỏe mạnh nhưng sử dụng ít thuốc kháng sinh hơn.”
Đề tài này dừng lấy mẫu vào tháng 3/2017. Hoàn tất các kết quả và phân tích vào tháng 8/2017. Kết quả trên được đăng trên International Journal of Food Microbiology - tạp chí quốc tế về vi sinh thực phẩm.