Gần 5,6 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm
Ảnh minh họa. |
Số dự án nhận vốn FDI tăng trong khi vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm trước
Theo báo cáo mới nhất mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến ngày 20/5, Việt Nam có 939 dự án cấp phép mới nhận được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký đạt gần 5,6 tỷ USD. Số dự án tăng gần 4%, còn số vốn đăng ký giảm 26% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, 437 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh mức đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,7 tỷ USD; ngoài ra còn có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 1,8 tỷ USD.
Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 5 tháng đầu năm đạt 12,1 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI nhiều nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới gần 2,9 tỷ USD, chiếm 51% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp sau là ngành khai khoáng chiếm 23%; các ngành còn lại chiếm 26%.
5 tháng đầu năm, cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới. Trong đó, Kiên Giang có số vốn đăng ký lớn nhất với 1,3 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương, TP HCM, Tây Ninh , Bắc Giang, Bình Phước…
Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam thời gian này, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 1,5 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc (23%); Trung Quốc (14%) và Singapore (11%)…
Vốn đầu tư thực hiện từ NSNN bằng gần 31% kế hoạch năm
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5 đạt hơn 23.000 tỷ đồng, gồm: vốn trung ương 5.100 tỷ đồng và vốn địa phương 17.900 tỷ đồng.
Tính chung 5 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 88.800 tỷ đồng, bằng gần 31% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 19.500 tỷ đồng bằng 29% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Các đơn vị sử dụng nhiều vốn nhất là Bộ Giao thông Vận tải (đạt 11.355 tỷ đồng), Bộ Y tế (1.280 tỷ đồng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1.094,3 tỷ đồng), Bộ Xây dựng (186,5 tỷ đồng)…
Vốn địa phương quản lý đạt 69.300 tỷ đồng, bằng 31% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 48.500 tỷ đồng, cấp huyện đạt 17.300 tỷ đồng, cấp xã đạt 3.500 tỷ đồng.
Hà Nội đứng đầu cả nước về số vốn đầu tư thực hiện từ NSNN với 10.900 tỷ đồng; tiếp sau là TP HCM với gần 6.000 tỷ đồng; Nghệ An 2.400 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 2.100 tỷ đồng; Bình Dương 1.800 tỷ đồng…
Tổng cục Thống kê nhận định, trong tháng 5 các chủ đầu tư và đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, dự án; vốn thực hiện từ nguồn NSNN cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn này trong 5 tháng đầu năm còn chậm.