|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fitch hạ xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ

02:15 | 11/07/2022
Chia sẻ
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch mới đây đã hạ xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ từ mức B+ xuống B.

Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt lên mức cao nhất trong 24 năm. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN 

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch mới đây đã hạ xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ từ mức B+ xuống B với lý do lạm phát ngày càng tăng và quan ngại chung về nền kinh tế, từ thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng tăng cho đến các chính sách can thiệp.

Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt lên mức cao nhất trong 24 năm vào khoảng 78,62% vào tháng 6/2022, chủ yếu do cuộc khủng hoảng tiền tệ vào cuối năm 2021 và đồng lira tiếp tục mất giảm.

Trong một tuyên bố, Fitch đã khẳng định triển vọng xếp hạng đối với Thổ Nhĩ Kỳ ở mức "tiêu cực", đồng thời cho biết thêm rằng hoạt động tiêu dùng của nước này sẽ chậm lại do lạm phát ngày càng tăng, tỷ giá hối đoái yếu hơn và niềm tin trong nước giảm sút.

Fitch dự báo lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022 sẽ ở mức trung bình 71,4%, mức cao nhất trong số các quốc gia được cơ quan này đánh giá. Tuy nhiên, Fitch cho biết lạm phát trung bình của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giảm xuống còn 57% vào năm 2023, nhờ các chính sách can thiệp cho đến khi các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống dự kiến diễn ra không muộn hơn tháng 6/2023.

Đồng nội tệ lira đã mất 44% giá trị so với đồng USD trong năm 2021, chủ yếu do một loạt các đợt cắt giảm lãi suất từ ngân hàng trung ương nước này. Trong năm 2022, đồng tiền này đã giảm thêm 23% giá trị cho đến nay.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn sự suy giảm của đồng lira. Một động thái gần đây của cơ quan giám sát ngân hàng BDDK nhằm hạn chế cho vay bằng đồng lira đối với các công ty “giàu” ngoại tệ đã giúp đồng tiền này phục hồi trong một thời gian ngắn vào tuần trước khi các công ty bán ra các đồng tiền mạnh.

Đề cập đến động thái này, Fitch cho biết "các chính sách của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng mang tính can thiệp cũng như khó đoán trước."

Việc cắt giảm lãi suất trong năm 2021 là một phần trong chương trình kinh tế mới của Tổng thống Tayyip Erdogan, trong đó ưu tiên xuất khẩu, sản xuất và đầu tư, đồng thời giữ chi phí cho vay ở mức thấp.

Một trong những mục tiêu của chương trình này là biến thâm hụt tài khoản vãng lai kinh niên của Thổ Nhĩ Kỳ thành thặng dư, song kế hoạch đó đã bị lệch hướng trong bối cảnh giá năng lượng và hàng hóa tăng cao gây ra bởi căng thẳng Nga-Ukraine, khiến thâm hụt thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh.

Fitch dự báo thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ ở mức tương đương 5,1% tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2022, do giá năng lượng cao hơn và nhu cầu bên ngoài suy yếu, bất chấp sự phục hồi của ngành du lịch.

Cơ quan này cũng nêu ra sức ép đối với dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương bất chấp nhiều biện pháp được đưa ra để bổ sung. Tính đến ngày 1/7, dự trữ ngoại hối ròng của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở gần mức thấp nhất trong 20 năm là 7,51 tỷ USD.

Minh Hằng