|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Financial Times: EU muốn tặng vắc xin ngừa COVID để giúp Trung Quốc khống chế dịch

15:45 | 03/01/2023
Chia sẻ
Châu Âu đang tìm cách phản ứng với nguy cơ đại dịch COVID-19 lây lan sang các khu vực khác, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch. Mới đây, giới chức châu Âu đã đề nghị tặng vắc xin cho Trung Quốc.

 

Một phụ nữ lớn tuổi ở Trung Quốc được tiêm vắc xin COVID-19. (Ảnh: Getty Images). 

Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị cấp vắc xin COVID-19 miễn phí cho Trung Quốc để giúp nước này kiểm soát làn sóng dịch đang hoành hành. Nguồn tin của tờ Financial Times (FT) cho biết lời đề nghị này mới được đưa ra gần đây, trước cuộc họp của các quan chức y tế EU vào ngày 3/1.

Sáng kiến trên là một phần trong nỗ lực của Ủy viên Y tế Stella Kyriakides nhằm thiết lập phản ứng của EU trước nguy cơ dịch bệnh lây lan sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách Zero COVID.

Một quan chức cho biết: “Ủy viên Kyriakides đã liên lạc với những người đồng cấp Trung Quốc để thể hiện tình đoàn kết. Bà cũng đề nghị Trung Quốc cho phép EU hỗ trợ chuyên môn về y tế cộng đồng và cung cấp miễn phí các loại vắc xin ngừa COVID”. Vị này cho biết Trung Quốc vẫn chưa phản hồi lời đề nghị đó. 

Trung Quốc vẫn đang dựa vào các loại vắc xin được phát triển trong nước bởi hai hãng dược Sinovac và Sinopharm. Đến nay, đất nước tỷ dân vẫn chưa triển khai vắc xin sử dụng công nghệ mRNA của phương Tây trên quy mô lớn.

Hôm 21/12 năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng tỷ lệ bao phủ vắc xin hiện nay của Trung Quốc vẫn chưa đủ cao. Ông Mike Ryan, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, nói trong cuộc họp báo rằng hai liều chỉ cung cấp 50% khả năng bảo vệ cho những người trên 60 tuổi.

Ông nói: “Sự bảo vệ này là không đủ đối với một đất nước có dân số lớn như của Trung Quốc. Với số dân lớn và quá nhiều người dễ bị tổn thương như vậy, chúng ta thực sự phải tập trung vào việc tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19”.

Dữ liệu của WHO cho thấy trong số những người trên 80 tuổi ở Trung Quốc, chỉ có 40% đã tiêm ba liều vắc xin. Ngược lại, tại EU, 83% dân số trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ và hơn 1,7 tỷ liều vắc xin đã được triển khai. EU đã ký kết hợp đồng với 8 nhà phát triển vắc xin, mua tới 4,2 tỷ liều.

Hiện, nhiều nước thành viên EU đang dư thừa vắc xin. Các quan chức cho biết số vắc xin này có thể được vận chuyển tới Trung Quốc.

Trong khi đó, một số nước EU đã yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính hoặc tình trạng tiêm chủng để được phép nhập cảnh.

Pháp, Tây Ban Nha và Italy đều thông báo sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế với du khách Trung Quốc do lo ngại về nguy cơ xuất hiện và lây lan biến chủng SARS-CoV-2 mới.

Tuy nhiên, Ủy viên Kyriakides kêu gọi các nước hành động phối hợp với nhau. Tuần trước, quan chức các nước thành viên đã quyết định không triển khai các biện pháp hạn chế cụ thể với Trung Quốc vì hiện giờ COVID-19 được coi là dịch bệnh thông thường ở EU.

Hôm 1/1, phái đoàn của Trung Quốc tại EU khẳng định rằng khách du lịch Trung Quốc không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào, và chỉ ra rằng CDC Châu Âu coi việc sàng lọc COVID-19 và các biện pháp khác đối với khách du lịch từ Trung Quốc là “không chính đáng”.

Giang