FAM - chuẩn bị sáp nhập vào FLC là 'con nợ' khó đòi của KLF, tăng vốn thần tốc từ 100 lên 1.600 tỷ đồng chỉ trong 3 năm
Theo thông tin giới thiệu từ website doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM được chuyển đổi từ Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vân Long được thành lập vào ngày 22/1/2008 theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2500293171.
Nông sản FAM được xây dựng, phát triển kế thừa từ Công ty Cổ phần Nông dược HAI và Công ty TNHH Hai thành viên FLC Lam Sơn.
Điều đáng chú ý là vào ngày 12/10 mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (Mã: KLF) công bố nghị quyết về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương Mại Vân Long.
Giá trị phần vốn góp chuyển nhượng là 24 tỷ đồng, mức giá chuyển nhượng sẽ do Tổng giám đốc KLF quyết định. Thời gian chuyển nhượng không được Hội đồng quản trị đề cập đến.
Theo báo cáo tài chính quý II đã soát xét của KLF, tại ngày 30/6 giá gốc cũng như giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào Công ty Vân Long là 9 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC KLF quý II/2017. |
Đồng thời, KLF có khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đối với Công ty Vân Long gần 27 tỷ đồng, giảm so với con số 65,7 tỷ đồng vào đầu năm. Trong đó, KLF dự phòng khó đòi gần 12 tỷ đồng, tức chiếm gần 50% giá trị khoản phải thu từ Vân Long.
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2017 của KLF |
Bên cạnh đó, KLF còn có khoản phải thu về cho vay dài hạn tại Vân Long 22 tỷ đồng theo các 3 hợp đồng cho vay với các số tiền lần lượt là 45, 42 và 200 tỷ đồng và lãi suất từ 5-7%/năm. Thời hạn 24 tháng với lần lượt từ ngày 21/12/2015, 20/6/2016 và 15/11/2016.
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2017 của KLF |
Trước đó vào đầu năm 2014, KLF từng công bố thương vụ nhận chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vân Long, ứng với 49 tỷ đồng. Đồng thời giao ông Lê Thanh Dương làm đại diện vốn của KLF tại Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vân Long. Theo công bố này thì Vân Long có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2014, KLF đã giảm tỷ lệ sở hữu FAM từ gần 49 tỷ đồng còn 24 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ sở hữu là 24%. Đến năm 2015, số vốn KLF đầu tư giảm còn 9 tỷ đồng.
Như vậy, nếu như theo công bố của FLC trước thềm đại hội bất thường về việc nhận sáp nhập FAM, vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng, thì có thể thấy trong thời gian từ năm 2015 đến nay, FAM đã tăng vốn "thần tốc" từ 100 lên 1.600 tỷ đồng.
Cam kết nông nghiệp sạch với "chất lượng cao nhất, giá thành thấp nhất"
Giới thiệu của FAM công bố mục tiêu "Phát triển xanh đón chặng đường dài" với các đối tác gồm "doanh nghiệp chuyên sản xuất và tư vấn xây dựng các dự án nông nghiệp công nghệ cao, cung ứng vật tư nông nghiệp; doanh nghiệp chuyên sản xuất nông nghiệp, xuất nhập khẩu nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng; và đặc biệt là hệ thống các nhà hàng, resort, hotel, quần thể du lịch nghỉ dưỡng, các siêu thị lớn trên toàn quốc".
Website của doanh nghiệp này còn khá mới khi phần tin tức cập nhật chỉ xuất hiện một vài tin.
FAM còn cam kết sản xuất và chế biến các nông sản đặc trưng vùng miền với . FAM tập trung vào các nhóm ngành chính, bao gồm gieo trồng cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày; chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, FAM còn có nông trường Vĩnh Phúc, Quy Nhơn, Sơn La với các sản phẩm quảng bá trên website "Nông trang được biết đến với các sản phẩm bò, bò sữa, lợn rừng, gia cầm các loại...", " FAM còn giữ vai trò phát triển các con giống lấy thịt tốt cho sản lượng cao và bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm, qua đó nâng tầm giá trị các đàn gia cầm, gia súc đặc sản của Việt Nam".
Hình ảnh giới thiệu mảng sản xuất của FAM (Nguồn: website của FAM). |
Toàn cảnh khu nông trang FLC Eco Farm tại FLC Luxury Resort Vinh Phúc. (Nguồn: website của FAM). |