|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Được nghỉ tết thì vé... hết rẻ

09:15 | 03/12/2017
Chia sẻ
Từ cuối tháng 9, các hãng hàng không đã thông báo “tung” hơn 3 triệu vé máy bay dịp Tết Mậu Tuất 2018.
duoc nghi tet thi ve may bay het re
Mua vé máy bay Tết 2018 tại đại lý. Ảnh: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Thực tế, dù mua sớm hay muộn, đến khi người lao động được nghỉ tết thì giá vé đã tăng đến kịch trần. Giá vé đường sắt, đường bộ cũng tăng.

Vé máy bay: Mua sớm cũng khó rẻ

Từ ngày 31.1 - 2.3.2018 (tức 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng), Vietnam Airlines (VNA) sẽ cung ứng hơn 1,4 triệu ghế trên toàn mạng nội địa, tăng hơn 127.700 ghế (tương đương 694 chuyến bay) so cùng kỳ năm ngoái. Hãng Jetstar Pacific (JPA) cũng mở bán gần 540.000 chỗ để phục vụ nhu cầu tăng cao trong giai đoạn này. Trước đó, ngày 26.9, Vietjet (VJ) đã công bố tung ra hơn 1,2 triệu vé máy bay "giá 0 đồng" nhân dịp Tết Nguyên đán 2018 trong 3 ngày siêu khuyến mãi 27, 28, 29.9, vào khung giờ vàng 12 - 14 giờ. Các hãng hàng không khuyến cáo khách hàng nên đặt vé “né” dịp cao điểm (từ 10.2 - 22.2.2018, tức từ 25 tháng chạp đến mùng 7 tết âm lịch), và càng mua sớm vé càng rẻ.

Tuy nhiên, từ trước dịp cao điểm khoảng 1 tuần, giá vé đã bắt đầu tăng mạnh. Cụ thể, trên trang web chính thức của VNA, vé 1 chiều hạng phổ thông từ TP.HCM - Hà Nội ngày 25 tết, tất cả các chuyến đều “đồng giá” là trên 3,6 triệu đồng/người đã bao gồm thuế, phụ thu, phí dịch vụ đặc biệt. Các chuyến trong khung giờ vàng, từ 9 giờ 30 phút đến 15 giờ đều đã báo hết vé, chỉ còn hạng thương gia với giá hơn 6 triệu đồng/người. Giá vé này cũng áp dụng với cả các chuyến bay cùng chiều từ 2.2 đến 15.2.2018 (tức 30 tết âm lịch).

Ở một số đại lý vé máy bay khác, tuần cận tết muốn bay khung giờ vàng (từ 9 - 12 giờ), vé VNA chặng TP.HCM - Hà Nội lên gần 6 triệu đồng/chiều/người. Các giờ còn lại đều trên 4 triệu đồng/chặng/người. Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, từ Hà Nội vào TP.HCM, đúng ngày mùng 1 tết âm lịch (16.2.2018), giá vé lại bắt đầu tăng vọt, từ 1,018 triệu đồng/người ngày 30 tết lên hơn 3 lần, chạm mức đỉnh là hơn

3,6 triệu đồng/người và chỉ giảm xuống gần 2,5 triệu/người khi đã gần đến rằm tháng giêng (28.2 dương lịch). Như vậy, khách “canh” mua vé về trước lịch nghỉ tết cả tuần hay cố nán lại thêm vài ngày để tránh đợt cao điểm cũng không mong mua được vé giá thường, chứ đừng nói giá rẻ.

Với các hãng máy bay giá rẻ, đến dịp người lao động được nghỉ tết thì giá cũng... hết rẻ. Đơn cử, VJ bắt đầu bán vé giá thường tuyến TP.HCM - Hà Nội từ ngày 1.2.2018, tăng dần lên và chạm “đỉnh” cao nhất 3,314 triệu đồng/chiều/người (đã gồm phí, thuế) từ ngày 24 tháng chạp và đến tận đêm 29, rạng sáng 30 tết mới có các chuyến bay với giá vé giảm “nhẹ” xuống còn 3,078 triệu đồng/chiều/người.

duoc nghi tet thi ve may bay het re

Cùng tuyến này, trong các ngày cao điểm (25 - 28 tháng chạp), hầu hết các chuyến bay của JPA đều để giá gần 3,7 triệu đồng/người/chiều. Tuy nhiên, hãng hàng không giá rẻ này có thực hiện các đường bay nối chuyến từ TP.HCM ra Đà Nẵng hoặc Đà Lạt, quá cảnh rồi bay tiếp chặng 2 ra Hà Nội. Các chuyến bay này mất nhiều thời gian hơn (tổng thời gian bay và quá cảnh khoảng 6 giờ) nhưng tùy từng thời điểm, giá có thể rẻ hơn chuyến bay thường của hãng, vào khoảng 3,327 triệu đồng tính cả thuế, phí.

Đường sắt, đường bộ: Giá cũng tăng

Không chỉ hàng không, vé đường sắt hay đường bộ dịp tết cũng báo giá tăng lên đáng kể. Từ giữa tháng 10, ngành đường sắt đã bắt đầu đưa ra 300.000 vé tết bán trên các kênh từ mạng, tổng đài cho đến các điểm bán tại ga và đại lý. Tại buổi thông tin báo chí, ông Lê Quốc Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết số vé này tăng gần 10.000 chỗ so với Tết Đinh Dậu 2017 do có 60 toa xe mới, còn mức giá vé "có chặng tăng, có chặng giảm", riêng vé giường nằm tầng 1 tăng khoảng 3 - 5%. Theo khảo sát, chặng Sài Gòn - Hà Nội thời điểm từ 20 - 23 tháng chạp, vé giường nằm điều hòa tàu SE10 ở mức hơn 2,1 triệu đồng/vé, ngồi mềm điều hòa hơn 1,5 triệu đồng/vé. Cùng chặng, thời điểm từ 24 - 27 tháng chạp, vé giường mềm lạnh tăng lên 2,318 triệu đồng/vé. Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay giá vé chiều Sài Gòn - Hà Nội năm nay tăng 3 - 5% so với năm trước nhằm bù chiều chạy rỗng Hà Nội - Sài Gòn. Ở các chặng ngắn hơn, giá vé trong thời gian từ 24 - 27 tháng chạp cũng tăng so với giai đoạn trước 23 tháng chạp. Như vé giường mềm lạnh chặng Sài Gòn - Tuy Hòa tăng từ 1,045 triệu lên 1,215 triệu đồng/vé. Về vấn đề đổi, trả vé tàu tết, ông Trung cho biết sẽ khấu trừ phí trả vé, đổi vé 30% đối với một số tàu trong thời gian nhất định nhằm hạn chế tình trạng cò vé chợ đen, đầu cơ vé. Tuy nhiên, một số trường hợp khó khăn sẽ được xem xét khấu trừ chỉ còn 10%.

Tương tự, về kế hoạch phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán 2018 tại Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân, TP.HCM), lãnh đạo đơn vị này dự báo lượng hành khách thông qua bến tăng 5 - 7% so với cùng kỳ năm 2017. Thời gian cao điểm bắt đầu từ ngày 27 - 30 tháng chạp (tức từ 12 - 15.2.2018), giá vé sẽ tăng 40% so với ngày thường. Riêng những tuyến đường có cự ly trên 400 km, giá vé tăng cao nhất 60%, áp dụng trong 6 ngày, từ 12 - 17.2.2018. Với trường hợp số lượng hành khách đăng ký từ 29 người trở lên có cùng tuyến đường, Bến xe Miền Tây sẽ ký hợp đồng đưa xe đến điểm hẹn để đón và hành khách sẽ chịu thêm phí trung chuyển.

Cũng như đường sắt, đại diện Bến xe Miền Tây cho biết lý do tăng giá vé nhằm bù chiều xe chạy rỗng. Trước mỗi dịp lễ, tết các doanh nghiệp vận tải và đại diện cơ quan chức năng sẽ cùng bàn bạc về việc phụ thu chiều chạy rỗng. Sau khi thống nhất được mức phụ thu, thời điểm phụ thu, các doanh nghiệp sẽ trình lên cơ quan chức năng (Sở Tài chính và Sở GTVT) và thực hiện việc phụ thu dưới sự giám sát của các cơ quan hữu quan, trong đó có bến xe. Việc các doanh nghiệp phụ thu thêm chiều xe chạy rỗng tối đa 60% (tùy từng thời điểm và tuyến đường mà áp dụng mức phụ từ 20%, 40%, 60%) nhằm khuyến khích các xe quay đầu về thành phố và thuê thêm xe để giải tỏa hết lượng khách.

Đủ mọi lý do, giá vé cũng không vượt trần so với quy định, nhưng tất cả các “đường” từ hàng không, đường bộ, xe lửa vẫn “hốt bạc” với giá vé đắt đỏ. Với việc bán vé trước tết từ 3 - 6 tháng, họ còn tận dụng được nguồn vốn lớn từ chính khách hàng của mình.

Thêm cầu, đường vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đỡ kẹt

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết kể từ lúc chính thức mở bán vé tết ngày 15.10, sau khi mở mạng bán vé 30 phút, khách đã thanh toán (cả trực tuyến và qua các hệ thống bán vé) được 3.100 vé. Tính đến 11 giờ, tổng số chỗ khách đặt đi tàu từ ngày 5.2.2018 (20.12 âm lịch) - 14.2.2018 (29.12 âm lịch) và từ 19.2.2018 (4.1 âm lịch) - 3.3.2018 (16.1 âm lịch) chặng Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại là 65.640 vé. Trong đó đã thanh toán 14.102 vé, với số tiền gần 18 tỉ đồng.

Thông tin từ các hãng hàng không, tính đến thời điểm này, vé tết năm nay vẫn còn khá nhiều. Các hãng đều có kế hoạch tăng tải dịp cận tết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hà Mai