|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dược Hậu Giang và bài toán cổ đông chiến lược

09:41 | 14/05/2017
Chia sẻ
Là người gắn bó với Dược Hậu Giang từ những ngày đầu, bà Phạm Thị Việt Nga - Tổng giám đốc Công ty cổ phần DHG, chia sẻ với doanh nhân cách tiếp cận và hướng đi của DHG trong tình hình mới.

Dù có hay không có TPP cũng vẫn là những cơ hội đồng thời là thách thức với ngành dược Việt Nam. Phải nhìn thấy điểm hạn chế của ngành dược Việt Nam để phấn đấu tốt hơn. Đó là một phần những chia sẻ của bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng giám đốc công ty cổ phần DHG.

- Trước đây có nhiều ý kiến nói rằng, nếu TPP được thông qua sẽ tạo lợi thế cho ngành dược Việt Nam. Tuy nhiên, giờ đây tương lai của TPP là rất xa vời. Theo bà, trong bối cảnh đó, đâu là những thuận lợi và bất lợi đối với các công ty dược Việt Nam?

Thật ra trước đây khi nói về triển vọng của ngành dược khi có TPP thì bản thân các công ty dược Việt Nam cũng chưa hình dung ra hết tất cả những diễn biến thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, đó là các công ty dược có thể nghĩ đến việc phát huy tiềm năng sản xuất của mình trong thị trường rộng lớn này. Mặt khác, chúng ta cũng phải nhìn thấy điểm hạn chế của mình để phấn đấu tốt hơn.

Nếu nhìn ra thị trường ASEAN như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Indonesia… chúng ta cảm thấy còn có khả năng vào được. Nếu chúng ta làm tốt và làm hết sức, ngành dược Việt Nam sẽ có thể phát huy được lợi thế ở các thị trường này. Nhưng nếu là thị trường Âu Mỹ, dĩ nhiên họ đòi hỏi cao hơn và đó là điều kiện để các công ty Việt Nam phấn đấu nhiều hơn.

Dù có hay không có TPP cũng vẫn là những cơ hội đồng thời là thách thức với ngành dược Việt Nam. Phải nhìn thấy điểm hạn chế của ngành dược Việt Nam để phấn đấu tốt hơn. Đó là một phần những chia sẻ của bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng giám đốc công ty cổ phần DHG.

- Trong tình hình như vậy, theo bà mức phấn đấu nào của các công ty dược là cần thiết?

Cách đây 10 năm, từ thời của Thứ trưởng Cao Minh Quang, ông từng mong muốn các công ty dược Việt Nam sẽ phấn đấu đáp ứng thị trường thuốc trong nước từ 50 lên 65%. Tuy nhiên, đến hiện thời, các công ty dược Việt Nam đang tụt lại ở mức 49%. Tính về giá trị tuyệt đối thì ngành dược Việt Nam không giảm sút, nhưng tính về tỷ lệ tăng trưởng thì có giảm. Như vậy là chính chúng ta đã tự thụt lùi. Người tiêu dùng đã chi tiêu nhiều hơn cho thuốc men, nhưng các công ty dược Việt Nam thì phát triển chậm hơn so với các công ty nước ngoài. Do vậy tôi nghĩ ngành dược trong nước cần phải phấn đấu đạt được mục tiêu 65% này thì mới được.

- Bà có nhắc đến thị trường Singapore với sự dè dặt, vì sao là như vậy?

Khi đi Singapore tôi nhận thấy, người Singapore sử dụng thuốc của các nước phát triển nhiều hơn. Đối với dân Singapore, giá rẻ không phải là quan trọng, vì vậy, đây không phải là lợi thế. DHG cũng có sản phẩm xuất sang Singapore, nhưng họ vẫn để sản phẩm của mình ở vị trí thấp hơn. Đấy là một thực tế cho thấy, đánh giá của thị trường dành cho thuốc của Việt Nam chưa cao.

Thật ra dư luận thị trường ASEAN nhận xét rằng, thuốc của Việt Nam vào thị trường này cũng vẫn có những trở ngại do nhiều nước đã tham gia vào chuẩn PIC/S GMP (*) rồi, nhưng Việt Nam vẫn ở tiêu chuẩn WHO PMG. Ngay cả Bộ Y tế hay Tổng cục Dược Việt Nam cũng chỉ mới nộp đơn vào PIC/S nên vẫn còn chờ đánh giá và chấp thuận của các tổ chức này. Vì thế, các công ty dược của Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp hơn trong cuộc chơi hội nhập.

- Theo bà các công ty dược Việt Nam cần có những động thái nào để phấn đấu đáp ứng được 65% nhu cầu tiêu dùng trong nước?

Phải đầu tư về khoa học kỹ thuật. Hiện nay hàng nhập vào Việt Nam nhiều vì sản phẩm điều trị ngày càng đòi hỏi được nghiên cứu cải tiến mới, chất lượng cao. Trong khi đó các công ty Việt Nam vẫn chưa có nhiều cải tiến, đầu tư nghiên cứu khoa học. 80 - 90% công ty dược trong nước tranh nhau sản xuất một vài sản phẩm thuốc thông thường, tự mình cạnh tranh lẫn nhau. Trong khi các công ty dược nước ngoài thì nắm giữ thị phần thuốc đặc trị. Đó là chưa kể các công ty trong nước chỉ lo cạnh tranh giá, bỏ hẳn khâu làm thương hiệu, dẫn đến vòng lẩn quẩn cạnh tranh trong thế thấp, không nghiên cứu, phát triển sáng tạo được gì.

- Vậy nói riêng thì DHG đã đầu tư bao nhiêu cho nghiên cứu phát triển?

Đối với đầu tư nghiên cứu phát triển, hiện nhà nước cho phép các công ty được trích đầu tư 5% trên lợi nhuận.

Năm 2016, Dược Hậu Giang có trên 757 tỷ đồng lợi nhuận. DHG có xài hết 5% của số tiền này cho nghiên cứu phát triển?Ước tính bình quân mỗi năm DHG có khoảng 35 tỷ đồng để đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Có năm xài hết, có năm không vì mình không có kinh nghiệm cũng như không biết nên bắt đầu từ đâu?

Tôi theo dõi thấy Taisho (công ty Nhật đang nắm 24,4% cổ phần ở DHG), họ được trích 10% doanh thu để đầu tư nghiên cứu phát triển. Cho nên, quay trở lại vấn đề TPP, tôi muốn nhìn ở góc độ tích cực, đó là TPP sẽ giúp chúng ta tiếp cận sâu rộng hơn với các nước phát triển, nâng cao kiến thức của mình. Khi có một chuẩn cao hơn, doanh nghiệp sẽ phải phấn đấu hơn. Khi không còn ai thúc sau lưng, chúng ta phải tự đi tìm “thầy” để họ đẩy mình lên!

- Vừa rồi khi nhà nước có ra thông báo sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật 32/2013/QH13 xóa trần quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị… bà nhận định việc này ra sao?

Tôi thấy điều này là tốt, hợp lý. Sau nhiều năm, doanh nghiệp lên tiếng thì nhà nước nhận ra và thay đổi. Hồi trước khi chưa có thay đổi này, có năm DHG bị phạt vi phạm trên 20 tỷ đồng vì vượt trần. Việc nhà nước ban hành quy định xóa trần quảng cáo, khuyến mãi là rất tốt, giúp doanh nghiệp chủ động trong xây dựng, quảng bá thương hiệu.

- Được biết có lần bà từng đề cập đến phương án mua nhượng quyền kỹ thuật. Bà có thể cho biết cụ thể việc này như thế nào? Theo bà thì điều này có khả thi và hiệu quả không?

Nhượng quyền kỹ thuật trong ngành dược có thể hiểu là bên mua nhượng quyền được sử dụng thương hiệu của một đơn vị dược. Bên bán phải bàn giao kỹ thuật cho bên mua, cho bên mua sử dụng nhãn hiệu và đương nhiên bên mua phải trả chi phí nhượng quyền. Đây là một hoạt động thông thường, phổ biến trên thế giới, nhưng DHG cũng chưa làm được vì có rất nhiều thứ liên quan phải tính toán cẩn thận. Nhưng tôi cho rằng, đây là con đường nhanh nhất để phát triển. Sở dĩ chưa làm được vì bên mua và bên bán phải ngồi lại trao đổi rất nhiều thứ chi tiết với nhau.

Nhưng công ty bà đã làm được một bước đầu tiên khi Công ty dược MSD (Mỹ) đã đồng ý hợp tác với DHG trong một số thuốc?Không hoàn toàn như vậy. MSD chỉ mới hợp tác để DHG độc quyền phân phối một số thuốc. Rồi khi doanh nghiệp đủ uy tín trong khâu phân phối, họ mới giao tiếp cho mình phần gia công, đóng gói sản phẩm. (Hiện DHG chỉ mới gia công phần đóng hộp). Và đến giai đoạn cuối cùng mới là nhượng quyền kỹ thuật… Mà tôi e rằng, đến được giai đoạn này phải mất 10 - 20 năm!

Chỉ mỗi việc bán hàng cho họ mà các nhân viên của DHG cũng phải chạy theo hết sức vất vả, vì họ đã chuyên nghiệp và vận hành mô hình bán hàng này quá thuần thục rồi. Cái được lớn nhất là mình học được họ từ cách tổ chức nhân viên, bán hàng, trả lương, quy hoạch mạng lưới… Họ là thầy của mình. Mình bán cho họ, hiệu quả kinh doanh thì không nhiều, nhưng cái lớn nhất là mình học được kỹ thuật, cách quản trị của họ.

- Như vậy để đến được “nhượng quyền kỹ thuật”, con đường của DHG vẫn còn xa xôi quá. Bà có tính đến những phương án nào phù hợp hơn với tình hình hiện nay?

Hiện nay đã có một hướng khác khi DHG có sự tham gia của nhà đầu tư Taisho (Nhật), họ đã sở hữu 24,4% cổ phần tại DHG. Taisho là đối tác chiến lược của DHG nên họ cũng mong muốn mình cùng phát triển với họ. Tại Đại hội cổ đông của DHG, chúng tôi cũng xin phép nới room cho đối tác nước ngoài. Khi được thông qua, đối tác có thể mua đến 51 hoặc 60%. Mà nếu mua càng nhiều thì khả năng cổ đông lớn càng phải dốc sức cho công ty phát triển, làm ăn có lợi nhuận. Với viễn cảnh đó, chắc chắn nhà đầu tư sẽ phải mang kỹ thuật đến Việt Nam để sản xuất. Khi đó hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn. Ban giám đốc DHG đang nghĩ đến hướng đi này để có thể tiếp cận nhanh về kỹ thuật cũng như quản trị.

- Hướng đi này theo bà có khả thi?

Về ngành dược, Domesco cũng đã làm cách này và chọn cách thức nới room rồi. Chính phủ cũng đã lên tiếng ủng hộ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nên tôi thấy điều này là khả thi. Cổ đông cũng đồng thuận với chủ trương của Ban giám đốc DHG. Và trong hội đồng quản trị, mọi người cũng có tiếng nói thống nhất với chủ trương này. Tôi thấy đó là điều thuận lợi.

- Bà còn băn khoăn điều gì không?

Thực tế toàn bộ cổ phần của cán bộ nhân viên DHG chỉ khoảng 5%. Cho nên nới room hay không thì vấn đề là mình sẽ làm thuê cho ông chủ nào mà thôi. Nếu ông chủ có cùng chuyên môn với mình thì họ sẽ kéo mình lên để mình làm ăn tốt, có lợi nhuận và phát triển, đó là điều quan trọng nhất. Bằng chứng rõ ràng nhất là từ lúc Taisho mua 24,4% DHG, họ có một nhóm 12-14 người cùng xây dựng nhiều hệ thống, quy trình để DHG đạt được tiêu chuẩn PIC/S PMG.

- Đối với những công ty Việt Nam, việc mua bán sáp nhập những năm gần đây đã diễn ra nhiều hơn. Tuy nhiên vẫn có tâm lý e ngại là các công ty Việt Nam dễ bị thâu tóm, mất thương hiệu, mất quyền kiểm soát. Bà nghĩ sao về điều này?

Hội đồng quản trị của DHG đã giao cho ban giám đốc nghiên cứu và lựa chọn luật sư tư vấn. Việc này cũng phải làm theo trình tự. Đã gọi là thị trường thì phải chấp nhận luật chơi. Hiện nay SCIC nắm giữ 43,31% vốn Nhà nước tại DHG. SCIC cũng sẽ tính toán sao cho có lợi nhất. Còn thực tế cán bộ nhân viên của DHG chỉ chiếm khoảng 5%, một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể để có thể làm gì.Khác nhau lớn nhất là trước đây các quỹ đầu tư nhảy vào mua DHG rồi cuối năm ngồi lại chia lời, còn bây giờ với chủ mới, họ có cùng mong muốn phát triển sản xuất với mình, họ đầu tư vào và đẩy mạnh năng lực sản xuất, kỹ thuật của DHG tốt lên.

- Vậy trong tình hình này, bà đánh giá những nhân sự ở DHG đã sẵn sàng để thích nghi với hoàn cảnh mới?

Đây là giao điểm của những thay đổi và phát triển. DHG cũng thấy được sự thay đổi này. Tôi cho rằng, ở DHG có nhiều người làm tốt, nhưng tài giỏi, xuất sắc thì chưa phải. Hơn nữa DHG đang ở giai đoạn kế thừa. Tôi tin là DHG đã đào tạo được một vài cá nhân đủ khả năng để có thể gánh vác những trọng trách lớn hơn khi tôi rút lui. Những người kế thừa đã làm việc cho DHG mười mấy năm nay, gắn bó nghĩa tình. Môi trường làm việc ở DHG cũng tạo điều kiện cho họ làm việc, cống hiến và phát huy chuyên môn nên họ thật sự là những người tâm huyết, đó là điều đáng quý.

- Trong các dự tính gần đây của bà, có kế hoạch nào còn dang dở?

Cũng có. Ví dụ như trong quy định của Nhà nước về khuyến mãi, chỉ cho phép doanh nghiệp được thực hiện tối đa 3 tháng. Tôi thấy dường như có việc hiểu khác nhau giữa khuyến mãi cho người tiêu dùng và khuyến mãi cho đại lý bán sỉ. DHG đã thắc mắc điểm này và gửi thư cho nhiều cơ quan, nhưng đến nay cũng chưa có phản hồi. Rồi do nhiều việc, tôi cũng không đeo đuổi việc này nữa…

Còn có một việc khác DHG cũng tha thiết muốn làm là đưa những xe khám bệnh di động đến vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp… nhưng chúng tôi cũng phải chờ quy định của Bộ Y tế vì việc này còn quá mới đối với Việt Nam nên cũng chưa thể tiến hành nhanh được.

Xin cảm ơn bà.

Thiên Thủy