|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đừng thí nghiệm bằng chính sách tiền tệ

09:48 | 06/10/2017
Chia sẻ
Tín dụng bỗng nhiên tăng từ 18% lên 21% khi chỉ còn vài tháng nữa kết thúc năm cũng giống như một người bỗng dưng tự cho mình trẻ, khỏe nên được quyền ăn thoải mái các thực phẩm chứa cholesterol cao: họ phải coi chừng triệu chứng đột quỵ.
dung thi nghiem bang chinh sach tien te
Đừng thí nghiệm bằng chính sách tiền tệ (Ảnh: Thành Hoa)

Bơm tín dụng nhanh và mạnh sẽ tạo ra tăng trưởng - có thực không?

Ta đã nghe nhiều về luồng quan điểm bơm thêm tiền này, họ dựa vào việc lạm phát đang ở mức thấp nên nhân cơ hội này đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế, với kỳ vọng tiền không chảy vào giá làm tăng lạm phát mà chảy vào sản xuất làm tăng GDP.

Thế còn những quan ngại tiền bơm ra nhanh, nhiều và gấp gáp quá dẫn đến việc các ngân hàng cho vay vào các kênh chứng khoán, bất động sản hoặc vào các ngành nghề kinh doanh kém hiệu quả? Không sao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một hệ thống các quy định điều tiết và giám sát cho vay đối với các ngân hàng thương mại. Bộ lọc này sẽ làm cho tiền chảy vào đúng nơi cần đến nên không phải lo ngại nhiều đến nợ xấu, bong bóng tài sản và lạm phát.

Còn độ trễ tác động của chính sách tiền tệ, 8-10 tháng sau, chuyển sang năm 2018-2019 dẫn đến lạm phát? Cũng đâu có gì lo lắng thái quá. NHNN sẽ sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở để hút tiền về dần dần. Nếu chỉ vì lo ngại bâng quơ mà không bơm thêm tiền sẽ vuột mất cơ hội hoàn thành kế hoạch tăng trưởng và tăng trưởng vượt bậc.

Một thế giới quá đẹp và gần như có thể kiểm soát được mọi điều. Thế thì tại sao không bơm thêm tiền để tăng GDP? Nhưng nếu như thế thì công việc của ngân hàng trung ương (NHTƯ) hóa ra lại dễ đến thế ư? Cứ tính toán khối tiền cần tạo ra và sau đó hướng nó đến nơi cần đến bằng các công cụ hành chính, rồi điều thần kỳ sau đó là GDP tăng cao và lạm phát thấp tự nhiên sẽ đến. Nhưng…

Tăng trưởng cung tiền tác động không đáng kể đến GDP nhưng hệ lụy khó lường

Tiền bơm ra từ NHTƯ không bao giờ là giải pháp cho GDP. Nếu có, cũng thoáng qua, không đáng kể, trong khi cái giá phải trả quá lớn là có khả năng lạm phát tăng tốc và nợ xấu tích lũy cao.

Trong nhiều trường hợp, cho dù tiền có bơm ra bao nhiêu, GDP và lạm phát vẫn không nhích lên. Như trường hợp NHTƯ Mỹ đã làm tăng cung tiền lên đến 500% cho đến giờ mà vẫn không thể kéo theo tăng trưởng và lạm phát lên dù chỉ 2%. Đã vậy, điều nguy hiểm tiềm ẩn là tiền chạy lòng vòng trong hệ thống tài chính sẽ kích hoạt lạm phát bất kỳ lúc nào trong tương lai.

Trong một thái cực khác, cũng có thể khối lượng tiền bơm ra đó lại thổi bùng siêu lạm phát. Ít ra điều này cũng đúng với trường hợp Việt Nam giai đoạn 2006-2008 khi lạm phát lên đến hai con số.

Trong trường hợp lý tưởng, chỉ khi nền kinh tế đang tăng trưởng thật sự dưới tiềm năng, chiến lược bơm tiền may ra có tác động, nhưng cũng chỉ rất nhỏ đến GDP trong thời gian ngắn. Ngay cả trong trường hợp lý tưởng này, lý thuyết kinh tế chỉ ra rằng khối lượng tiền bơm ra cũng nên chỉ ở mức thấp và đều đặn chứ không thể bất chợt và ào ạt.

Bất luận trường hợp nào trong ba trường hợp trên, tiền bơm ra từ NHTƯ không bao giờ là giải pháp cho GDP. Nếu có, cũng thoáng qua, không đáng kể, trong khi cái giá phải trả quá lớn là có khả năng lạm phát tăng tốc và nợ xấu tích lũy cao. GDP bỗng dưng khởi sắc trong quí 3 năm nay phần lớn cũng chỉ nhờ vào khu vực FDI và vẫn chưa ai dám khẳng định đó là nhờ vào chính sách bơm tiền của NHNN. Nhưng nếu nói thành quả này là do những ưu ái quá mức mà Chính phủ dành cho khu vực FDI chắc ít ai phản đối. đột nhiên thay đổi quan điểm chính sách là điều không nên trong chính sách tiền tệ

Ngay từ đầu năm, NHNN thông báo tăng trưởng tín dụng 18% và sau đó vì “tình thế” đột nhiên thay đổi lập trường chính sách. Con số tăng trưởng tín dụng thêm 3% so với thông báo trước đó khoảng vài trăm ngàn tỉ đồng mỗi tháng đã là một con số gây choáng ngợp. Tuy nhiên điều quan trọng nhất, một cú đảo chiều quan điểm bất ngờ như thế không khác gì một cú sốc chính sách tiền tệ. Chính xác phải gọi là một cú sốc của niềm tin.

Thế giới thật đẹp được tạo ra bằng ý chí bơm tiền rồi sau đó hướng chúng đến nơi cần đến bằng những công cụ và mệnh lệnh hành chính và sau đó là phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ? Nhìn lại quá khứ, viễn cảnh này chẳng phải đã được vẽ ra nhưng kết cuộc là lạm phát phi mã và đổ vỡ giai đoạn 2006-2008?

Nhìn vào hành vi của các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng và cả Chính phủ khi bất chợt nhận được một thông báo về lượng tiền bơm ra quá bất ngờ mới thấy hết câu chuyện. Trước hết, chẳng lẽ phải thiết kế ra một NHNN với hệ thống thanh tra kiểm soát dày đặc luôn thường trực canh gác các ngân hàng thương mại tuân thủ quy định cho vay để tiền không rò rỉ vào những khu vực không hiệu quả. Thế giới ảo, thực của đất nước này qua các vụ đại án ngân hàng gần đây thật vô cùng phức tạp. Hệ thống ngân hàng và các đại gia thừa mưu mẹo để có thể tạo ra các ảo thuật tài chính lách qua tất cả các khe cửa hẹp để sử dụng đồng tiền theo quan điểm riêng của họ. Khó thể nào có một hệ thống thanh tra giám sát tinh vi có thể kiểm soát được các trò chơi này thực sự hiệu quả.

Đó là chưa kể những đổi mới tài chính ngày càng tinh vi trên thị trường chứng khoán, ở các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư. Tất cả những thay đổi này đều làm tăng cung tiền và dường như đang ngày càng khó kiểm soát bởi NHNN. Chưa kể, lượng tiền thừa nhiều quá dẫn đến trái phiếu chính phủ bán ra đắt hàng nhưng không thể giải ngân cho đầu tư công để kích cầu cho tăng trưởng. Còn kho bạc thì dư thừa tiền đem gửi lại ngân hàng. Tại sao không quyết liệt giải quyết các nút thắt, các mưu kế mà chỉ nghĩ đến bơm thêm tiền?

Trong khi đó, có khả năng kỳ vọng lạm phát sẽ hình thành từ ba nguồn: (1) cú sốc tiền tệ từ thông điệp nới lỏng tiền tệ quá mạnh mẽ và bất ngờ, cộng thêm lượng tiền bơm ra từ nhiều năm trước tích lũy lại; (2) các cú sốc giá cả hàng hóa thế giới và dịch vụ trong nước như việc điều chỉnh tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục sẽ xảy ra thường xuyên sắp đến; và (3) bất ổn giá cả khó lường từ đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng vào năm 2019 của Bộ Tài chính nếu được ấn nút thông qua.

Ngay cả khi tất cả những điều trên chưa để lại hệ lụy xấu trong vài năm nữa thì cũng đến một lúc nào đó sẽ xảy ra. Nhưng ngay cả khi nó chưa xảy ra bây giờ thì cũng không nên quá hối hả bơm tiền chỉ để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay. Đâu thể bất chấp mọi giá cho tăng trưởng. Chính phủ chẳng phải đã nhiều lần lặp đi lặp lại quan điểm này?

Đừng xem chính sách tiền tệ như là nơi thí nghiệm

Việc bất ngờ đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao ngoài dự kiến là cách tiếp cận chính sách tiền tệ đi từ hiện tại hướng tới tương lai. Không khéo chúng ta có thể phạm sai lầm khi dùng các phương pháp trong lĩnh vực khoa học tự nhiên để ứng dụng vào khoa học kinh tế. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách có thể đang dựa trên các phản ứng lý, hóa hiện tại (lạm phát thấp cộng cung tiền cao) để dự đoán kết quả đương nhiên sẽ xảy ra (tăng trưởng cao).

Cách tiếp cận này, nếu đúng như thế, đang đi ngược với chuẩn mực điều hành chính sách tiền tệ thận trọng. Một chính sách tiền tệ cẩn trọng đi từ tương lai (kỳ vọng) rồi quay ngược về các điều kiện hiện tại: dựa vào kỳ vọng lạm phát (tương lai) để từ đó ấn định khối lượng tiền hoặc lãi suất chính sách phù hợp nhằm đạt được lạm phát mục tiêu. Mọi phản ứng chính sách đều rất thận trọng, phải liên tục đánh giá, đo lường kỳ vọng lạm phát hàng tháng, quí và thật nhẹ nhàng điều chỉnh cung tiền hoặc lãi suất để tránh đổ vỡ.

Biết rằng NHNN hiện nay đang đứng trước tình thế tế nhị là phải điều hành chính sách tiền tệ đa đoan với nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau, vừa tham vọng tăng trưởng cao nhưng cũng muốn lạm phát thấp? Nhưng đâu vì thế lại đột nhiên bẻ ngoặt lập trường kiên định bấy lâu nay chỉ để chạy theo thành tích GDP.

Nỗi đe dọa lạm phát, chứ không phải chính bản thân lạm phát, mới là bất định lớn nhất để NHNN lựa chọn các công cụ chính sách tiền tệ thích hợp đi trước một bước chặn đứng các mầm móng bất ổn giá cả, bong bóng bất động sản và nợ xấu. Nếu không làm được điều cơ bản này, thành quả tăng trưởng đâu còn ý nghĩa bao nhiêu.

dung thi nghiem bang chinh sach tien te Tăng tín dụng thêm 22%, làm được, nhưng hậu quả thế nào?

Tại sự kiện “Step into the future” do Ngân hàng HSBC Việt Nam cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp Hongkong (HKBAV) tổ chức ngày 6/9 ...

Trần Ngọc Thơ

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.