Đừng ảo tưởng về tiền ảo
'Ông tổ' đồng Ethereum cảnh báo tiền ảo có thể chạm mức 0 bất cứ lúc nào | |
[Infographics] Những dự báo về tiền ảo trong năm 2018 |
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu NHNN khẩn trương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền điện tử, tiền ảo.
Tìm bản chất để quản lý
Tiền ảo không thuộc đối tượng bị cấm giao dịch, mua bán theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Đầu tư năm 2014. Pháp luật chỉ ngăn cấm nguy cơ, chứ không thể ngăn cấm cơ hội, dù cơ hội đó có là vô cùng rủi ro. Chính vì vậy, một trong những mấu chốt để quản lý và kiểm soát được những rủi ro của tiền ảo là cần phải xác định được bản chất của nó là tiền tệ hay hàng hóa.
Dưới góc độ tài chính, tiền ảo chưa thể được coi là đồng tiền vì tiền phải do ngân hàng trung ương phát hành và được các nước công nhận. Biến động của đồng tiền ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, giá hàng hóa cũng như các đồng tiền khác. Tuy nhiên, tiền ảo không có các đặc tính nói trên.
Do đó, có thể coi tiền ảo như một hàng hóa và cho phép thành lập sàn giao dịch tập trung để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mua bán, trao đổi với nhau. Tuy nhiên, hiện nay giá tiền ảo ở Việt Nam cao hơn Mỹ khoảng 5-10%. Nếu coi tiền ảo là hàng hóa, thì giá tiền ảo phải cộng thêm thuế giá trị gia tăng, khiến các nhà đầu tư trong nước chuyển tiền ra nước ngoài mua tiền ảo.
Ngoài ra, cũng có thể cân nhắc coi tiền ảo là một chứng khoán phái sinh và chỉ thu thuế thu nhập cá nhân dựa trên lợi nhuận từ chứng khoán phái sinh đó.
Trên thực tế, tiền ảo là ứng dụng đầu tiên của công nghệ blockchain, mà công nghệ này có nhiều tính ưu việt. Nhờ tính chất lưu trữ và chia sẻ ngang hàng, công nghệ blockchain giải quyết được vấn đề mà mọi hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung truyền thống gặp phải. Đó là người sử dụng dữ liệu bị lệ thuộc hoàn toàn vào chất lượng và độ tin cậy của cơ quan lưu trữ dữ liệu tập trung, vì toàn bộ dữ liệu chỉ do họ nắm giữ. Nếu có vấn đề gì xảy ra với cơ sở dữ liệu của cơ quan lưu trữ đó, người dùng sẽ chịu thiệt hại. Đối với blockchain, không có một cơ quan lưu trữ tập trung nào cả. Toàn bộ dữ liệu được lưu trữ trên rất nhiều máy chủ nhỏ nằm phân tán khắp nơi trên thế giới, được đồng bộ liên tục với nhau, sửa chữa và bổ sung cho nhau.
Trong tương lai, đồng tiền dựa trên công nghệ blockchain có thể thay thế các đồng tiền hiện tại, nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán. Hiện nay, Nga, Trung Quốc, Venezuela,… đã và đang thực hiện số hóa đồng nội tệ dựa trên công nghệ blockchain.
Để loại những Biến tướng khó lường
Bên cạnh những ứng dụng khoa học công nghệ có giá trị đang được áp dụng vào thực tiễn, những thủ đoạn biến tướng lợi dụng tiền ảo cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Việt Nam lại là một trong những nơi mà các hoạt động biến tướng này hoành hành nhiều nhất.
Đầu tiên phải kể đến những loại tiền ảo giả mạo mang màu sắc kinh doanh đa cấp, ăn theo sức nóng của tiền ảo. Những kẻ lừa đảo này sao chép phần mềm của một loại tiền ảo sẵn có, sửa chữa để có một nguồn cung tiền ảo vô tận rồi bán ra cho các nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin. Do đó, họ có khả năng thao túng giá tiền ảo giả một cách dễ dàng, trên các sàn giao dịch nhỏ lẻ cũng do chính họ quản lý. Các nhà đầu tư nhìn thấy giá trị ảo tăng lên, lại càng tin tưởng đổ tiền vào. Vấn đề ở đây là giá trị đó hoàn toàn chỉ nằm trên giấy, vì khi cần chuyển đổi thành tiền mặt, thì không thể bán được số tiền ảo đó cho ai khác, ngoài những người đã tham gia trong hệ thống. Hoặc họ sẽ đi lừa một người khác tham gia đầu tư để bán số tiền ảo đó. Bởi vậy, mạng lưới đa cấp đó ngày càng bành trướng, kẻ đi trước lừa người đi sau.
Tiếp theo là hoạt động ICO - hoạt động kêu gọi vốn đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu điện tử. Kể từ một ứng dụng ưu việt ban đầu của công nghệ blockchain, hoạt động ICO đã và đang bị lạm dụng. Nhiều công ty khởi nghiệp ma được thành lập, đưa ra những sản phẩm đột phá giả tạo, phát hành một mã cổ phiếu điện tử có thể dễ dàng tạo ra bằng cách sao chép các đoạn mã nguồn dựa trên blockchain Ethereum, bán ra cho công chúng để gom một số tiền lớn trong chớp mắt rồi biến mất. Bắt đầu từ phương Tây, các tổ chức phát hành ICO giả mạo trên đang dịch chuyển dần sang các quốc gia đang phát triển để thực hiện hành vi lừa đảo.
Tiềm năng ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động kinh tế- xã hội rất to lớn. Nhưng làm thế nào để tận dụng được những ưu điểm của tiền ảo, tiền điện tử và hạn chế những hệ luỵ đi kèm đòi hỏi một khung pháp lý phù hợp trên phương diện pháp luật và quản lý kinh tế.
Trước làn sóng đầu tư quá nóng của tiền ảo hiện nay, trong khi chưa có hành lang pháp lý cho loại tiền ảo này, cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trước những chiêu trò lừa đảo và đừng quá ảo tưởng vào tiền ảo.