|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đưa lãi tiền gửi về 0% có thực sự là tin tốt với chứng khoán Việt Nam?

07:31 | 26/06/2021
Chia sẻ
Theo VAFI, việc giảm lãi suất tiền gửi về 0% sẽ đưa doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Việt Nam cùng phát triển. Tuy nhiên, quan điểm này đã gặp phải một số ý kiến trái chiều.

Trong đề xuất ngày 22/6, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã đề xuất 5 giải pháp nhằm dần dần đưa lãi suất tiền gửi về mức 0%. Sáng kiến này ngay lập tức nhận được phản ứng trái chiều của các nhà kinh tế học. Phần lớn cho rằng kiến nghị của VAFI đang đi ngược với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng.

Theo VAFI, để tránh dòng tiền ồ ạt chảy sang các kênh đầu tư khác khi đưa lãi suất về 0%, cần áp dụng thuế tài sản để ngăn tình trạng đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, ngân hàng thương mại cần đảm bảo tính an toàn của việc nắm giữ trái phiếu tương đương với tiền gửi tiết kiệm để người dân sử dụng như một kênh thay thế.

Mục đích của đề xuất nhằm hạ lãi suất tiền gửi nhằm kéo lãi suất tiền vay xuống mức thấp. VAFI kỳ vọng đề xuất này giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là giữa tác động của dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát khiến tình hình tài chính chung gặp khó. Việc "bơm" thêm nguồn lực để thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng được kỳ vọng sẽ kích thích thị trường chứng khoán phát triển.

Chứng khoán và lãi suất: Liệu có sự liên quan?

Đưa lãi suất về 0% để tăng giá cổ phiếu: Liệu có khả thi? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa.)

Khi xét đến mối quan hệ giữa yếu tố lãi suất và giá cổ phiếu, các chuyên gia của Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (Vietnam Wealth Advisors – VWA) cho rằng không sự liên hệ trực tiếp giữa hai biến số này. Thực tế, Fiingroup thống kê được hơn 80% thời gian giá cổ phiếu biến động cùng chiều với đà tăng của lãi suất. Như vậy, việc giảm lãi tiền gửi về 0% có thể khiến thị trường biến động mạnh.

Hiện nay, tiền gửi là kênh đầu tư dễ tiếp cận với đại chúng. Người dân kỳ vọng mức lãi suất ổn định và lớn hơn tốc độ lạm phát của nền kinh tế.

Nếu lãi suất giảm, người dân sẽ rút tiền từ ngân hàng để tìm kiếm kênh đầu tư có mức sinh lời tốt hơn. Lúc này bất động sản, vàng, chứng khoán hay những hình thức đầu tư mới có tính rủi ro cao sẽ trở thành lựa chọn thay thế.

Hệ lụy không tránh khỏi là lạm phát. Cung tiền tăng, đồng nội tệ mất giá so với ngoại bảng như USD hay EUR. Người dân chuyển sang nắm giữ những đồng tiền có giá trị hơn dẫn tới tình trạng đô la hóa. Giao thương quốc tế, xuất nhập khẩu và cả thị trường chứng khoán đều chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc CMA Australia tại Việt Nam, mất giá đồng tiền là kẻ thù của thị trường. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ ETF kiếm lợi trên thị trường nước ta bằng đồng nội tệ. 

Khi đồng nội tệ mất giá, lợi nhuận của nhóm này cũng chịu ảnh hưởng. Do đó, khối ngoại có xu hướng rút vốn khỏi Việt Nam để tìm kiếm những thị trường có mức lợi tức tốt hơn.

Giảm lãi tiền gửi tác động ngược đến thị trường

Mặt khác, việc kỳ vọng lãi suất cho vay giảm khi đưa lãi tiền gửi về 0% chưa chắc đã khả thi. Năm 2011 ghi nhận mức lạm phát 18%, trong khi trần lãi suất huy động bị giới hạn là 14%. Để tránh tình trạng "bank run" (người dân đồng loạt rút tiền gửi), các ngân hàng phải "vượt rào" bằng cách áp dụng lãi ngoài để giữ chân người gửi tiền. Do đó, lãi suất vay có thời điểm lên tới 20%.

Lãi ngoài vượt trần, lạm phát tăng, rủi ro trong nền kinh tế tăng cao sẽ đẩy lãi suất vay lên cao. Đồng thời hạn chế trong nguồn cung tiền cũng khiến ngân hàng thắt chặt hoạt động tín dụng. Trái với dự kiến của VAFI, hiện tượng này sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, dẫn tới hoạt động kinh doanh ảnh hưởng, giá cổ phiếu sụt giảm.

Theo ông Lê Chí Phúc, ngành ngân hàng hiện đóng góp tới 43% lợi nhuận của toàn thị trường chứng khoán. Từng được gọi là cổ phiếu "vua", sóng tăng nhóm ngân hàng từng nhiều lần đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán. Không khó để hình dung mức độ ảnh hưởng ở phạm vi toàn thị trường khi hoạt động kinh doanh của nhóm này bị ảnh hưởng sẽ tạo ra.

Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi với mức lạm phát gần 4%. Do đó, việc học tập các quốc gia phát triển để đưa lãi suất tiền gửi về gần mức 0% chưa chắc đã là giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển.

Thảo Bùi