Dù xã hội bỏ dần tiền mặt, Bitcoin vẫn không có tương lai
Nếu Bitcoin có một đặc điểm nổi bật, thì đó sẽ là: Nó đã bắt đầu khởi động một số cuộc tranh luận thú vị. Một trong những cuộc tranh luận ấy là chính phủ nên phát hành tiền ảo hay không.
Câu trả lời đáng thất vọng (nhưng chính xác) là tùy hoàn cảnh. Xã hội không tiền mặt sẽ là xu thế của tương lai nên chính phủ và ngân hàng trung ương chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuẩn bị cho xu thế ấy. Nhưng một tương lai không tiền mặt không nhất thiết cần tiền ảo do chính phủ công nhận. Mặc dù công nghệ tạo nên Bitcoin và các dạnh tiền ảo khác chắc chắn sẽ mở đường cho sự ra đời của nhiều ứng dụng hữu ích, thay thế tiền mặt vẫn không thể là một trong những ứng dụng đó.
Công nghệ chuỗi khối mang tới hai đặc tính quan trọng của Bitcoin – cho phép giao dịch ngang hàng diễn ra mà không cần trung gian đáng tin cậy, và cho phép các bên liên quan tới giao dịch ẩn danh. Về cả hai phương diện Bitcoin khá giống tiền thực. Nhưng trong khi tiền thực là trách nhiệm của chính phủ, với ngân hàng trung ương kiểm soát giá trị của nó, thì tiền ảo lại không thuộc trách nhiệm của người nào. Đây là khiếm khuyết nguy hiểm của nó với tư cách tiền tệ. Chẳng thứ gì hay người nào có thể ngăn chặn giá trị của nó trở về số không.
Giả sử chính phủ phát hành tiền ảo, nó sẽ có những đặc tính khác Bitcoin. |
Một số người nói chính phủ nên ban hành tiền ảo giống Bitcoin, biến nó thành phương tiện thanh toán hợp pháp và kiểm soát giá trị của nó. Nhưng câu hỏi mà chúng ta cần suy nghĩ là: Vì sao họ muốn ban hành tiền ảo? Đặc tính ẩn danh của tiền thực là một trong những điểm bất lợi, theo góc nhìn của chính phủ, bởi nó “tiếp tay” cho hành vi trốn thuế và phạm tội. Nếu các ngân hàng trung ương phát hành tiền ảo, họ sẽ không giữ đặc tính ẩn danh của nó.
Ngân hàng trung ương cũng chẳng cần trung gian đáng tin cậy khi phát hành tiền ảo, bởi vai trò đó thuộc về họ. Mọi người đều biết trung gian đáng tin cậy sẽ khiến tiền ảo trở nên phổ biến ở quy mô lớn. Không có trung gian đáng tin, các hệ thống dựa trên công nghệ chuỗi khối trở nên phức tạp, và cần năng lực điện toán khổng lồ.
Vì thế, nếu chính phủ ban hành tiền thuật toán, nó sẽ không hoạt động như Bitcoin. Nhưng lúc ấy chúng ta lại phải đặt một câu hỏi khác: Xã hội cần tiền ảo do chính phủ công nhận hay không?
Mọi người không nên nghĩ rằng mọi thứ chính phủ công nhận đều cần thiết cho xã hội. Đương nhiên, vai trò của tiền mặt trong xã hội đang giảm dần. Chẳng hạn, ở Thụy Điển, nhiều cửa hàng không còn nhận tiền giấy hay tiền xu. Các nước đang phát triển cũng đang khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến qua điện thoại di động. Song không sáng tạo nào về tiền điện tử cần sự hiện diện của tiền thuật toán. Các nền kinh tế có thể chuyển sang xu hương phi tiền mặt mà không cần tiền ảo.
Hơn nữa, tiền ảo do ngân hàng trung ương kiểm soát có thể gây nên những hậu quả khó lường. Khác với tiền mặt, nó có thể thay thế một tài khoản thanh toán tại một ngân hàng thương mại. Sự cạnh tranh từ tiền ảo của chính phủ có thể buộc các ngân hàng thay đổi hoạt động kinh doanh, và chính phủ buộc phải thay đổi cách quản lý tài chính.
Vào thời điểm hiện tại, các ngân hàng trung ương có lý do để hành xử thận trọng. Tiền kỹ thuật số có thể hoặc không thể trở thành tương lai của tiền tệ, song nếu các chính phủ phát hành tiền ảo, chúng sẽ có những đặc tính khác với Bitcoin.