|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu: Vẫn còn quá nhiều câu hỏi

10:42 | 01/06/2017
Chia sẻ
Trong các phiên thảo luận trên hội trường Quốc hội mấy ngày qua, một số đại biểu Quốc hội công khai đề nghị đưa nguyên tắc không dùng nguồn vốn ngân sách vào Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (theo kế hoạch, sẽ được thông qua trong kỳ họp đang diễn ra). Để tránh tình trạng câu chữ không rõ ràng, có nhiều ngữ nghĩa và dẫn đến tình trạng hiểu sao cũng đúng, cần thiết phải định nghĩa thế nào là sử dụng nguồn vốn ngân sách xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng.
du thao nghi quyet cua quoc hoi ve xu ly no xau van con qua nhieu cau hoi
Nói đến giải cứu ngân hàng là nói đến sử dụng nguồn lực công. Mọi phương thức giải cứu, suy cho cùng, dẫn đến gánh nặng tài khóa và đều dẫn đến địa chỉ cuối cùng là người nộp thuế. Ảnh: Mai Lương.

Giải cứu ngân hàng (bank rescue/bank bailout) được hiểu là bất kỳ hành động (hoặc chính sách) ngấm ngầm hoặc công khai của chính phủ trong việc sử dụng nguồn lực công nhằm kéo dài sự tồn tại của các ngân hàng âm vốn (ngân hàng 0 đồng theo cách gọi của Việt Nam) hay mất thanh khoản hoặc giới chủ ngân hàng không có kỹ năng quản trị... (tạm thời gọi chung các trường hợp này là các ngân hàng yếu kém).

Lưu ý rằng không phải chỉ đợi đến khi chính phủ trao tiền hoặc bơm vốn cho các ngân hàng mới gọi là sử dụng nguồn lực công. Giải cứu ngân hàng cũng có thể xảy ra trong trường hợp chính phủ thay đổi các quy tắc hoặc định nghĩa thế nào là một ngân hàng yếu kém hoặc những cách hiểu lỏng lẻo về khái niệm nợ xấu (với mục đích kéo dài sự tồn tại của các ngân hàng), cho dù không có bất kỳ một nguồn tiền nào được chuyển dịch từ chính phủ sang ngân hàng. Những chính sách trì hoãn nhằm mục đích kéo dài sự tồn tại của các ngân hàng yếu kém thậm chí còn tốn kém nhiều hơn và để lại nhiều hệ lụy còn lớn hơn cả sử dụng tiền ngân sách trực tiếp xử lý nợ xấu.

Nói đến giải cứu ngân hàng là nói đến sử dụng nguồn lực công. Mọi phương thức giải cứu, suy cho cùng, dẫn đến gánh nặng tài khóa và đều dẫn đến địa chỉ cuối cùng là người nộp thuế. Hiểu theo cách này, sử dụng nguồn lực công chính là sử dụng ngân sách nhà nước (trực tiếp hay gián tiếp) trong quá trình giải cứu ngân hàng.

Trong nhiều trường hợp khẩn cấp, giải cứu ngân hàng là một lựa chọn chính sách tốt. Tuy nhiên, bất luận hiểu như thế nào, nói đến giải cứu ngân hàng là nói đến sử dụng nguồn lực công. Mọi phương thức giải cứu, suy cho cùng, dẫn đến gánh nặng tài khóa và đều dẫn đến địa chỉ cuối cùng là người nộp thuế. Hiểu theo cách này, sử dụng nguồn lực công chính là sử dụng ngân sách nhà nước (trực tiếp hay gián tiếp) trong quá trình giải cứu ngân hàng.

Tổng hợp các tình huống giải cứu ngân hàng từ một số điển cứu trên thế giới và những nội dung trong dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu (Chính phủ đang lấy ý kiến), người viết tóm lược và so sánh sáu khuôn khổ và phản ứng chính sách bằng biện pháp giải cứu và (nếu) thực hiện theo cơ chế thị trường (xem bảng).

du thao nghi quyet cua quoc hoi ve xu ly no xau van con qua nhieu cau hoi
Những phương thức giải cứu ngân hàng.

Ngoài những vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng lần này mà báo chí đã tường thuật, có năm vấn đề sau đây cần được cân nhắc thêm.

Thứ nhất, Nghị quyết về xử lý nợ xấu cần phải nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa lựa chọn chính sách giải cứu và thực hiện theo nguyên tắc thị trường một cách hợp lý và cân bằng, thay vì đặt quá nhiều trọng tâm vào các can thiệp của Nhà nước.

Thứ hai, nguyên tắc không sử dụng ngân sách khi xử lý nợ xấu chỉ là một trong nhiều nội dung sử dụng nguồn lực công giải cứu ngân hàng. Vậy các nội dung còn lại của sử dụng nguồn lực công (như trên bảng) sẽ bị ràng buộc như thế nào? Gần như hầu hết các phương thức giải cứu như trên đều đã được triển khai thời gian qua. Nay nếu vẫn tiếp tục đặt ra quá nhiều ưu tiên thêm nữa thì đâu sẽ là điểm giới hạn?

Thứ ba, một mặt chương trình giải cứu ngân hàng tiêu tốn một nguồn lực công quá lớn, mặt khác, có khả năng phát sinh tâm lý ỷ lại của hệ thống ngân hàng vì đã có Chính phủ luôn đứng cạnh, vậy liệu nghị quyết này có làm tan cục máu đông nợ xấu và lãi suất có giảm thấp như kỳ vọng, nếu không ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Lại có quan điểm cho rằng cần tính luôn các khoản nợ xấu phát sinh kể từ thời gian sau khi nghị quyết được thông qua, liệu đề xuất này có tăng thêm tâm lý ỷ lại và kéo dài thêm sự tồn tại của nhiều ngân hàng yếu kém?

Thứ tư, trong bất kỳ một cuộc giải cứu nào, việc phân bổ sai nguồn lực quốc gia luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà làm chính sách và cử tri. Đối với nghị quyết này, trong khi chưa hình thành một thị trường mua bán nợ xấu đúng nghĩa, cơ chế nào để phát hiện và ngăn chặn việc định giá quá thấp những tài sản bảo đảm của con nợ ngân hàng để chúng không chuyển vào các nhóm lợi ích.

Thứ năm, với những bất cập hiện nay trong quá trình xử lý tài sản thế chấp, việc Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về vấn đề nợ xấu là cần thiết. Nhưng nghị quyết này có đúng với Hiến pháp và đã tính hết những hiệu ứng phụ của chúng hay chưa cũng cần được khẳng định dứt khoát.

Trần Ngọc Thơ